Từ nhiều năm nay, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bán tràn lan thông qua mạng xã hội, được gắn mác hàng hiệu, xách tay, sản phẩm gia truyền. Đa số chị em phụ nữ tin lời quảng cáo “rót mật” đã lùng mua những sản phẩm này nhưng sau một thời gian sử dụng đã phải gánh chịu những tác hại khôn lường, như dị ứng, phát ban đỏ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Mỹ phẩm giả, tác hại thật
Trên công cụ tìm kiếm google, người dân có thể dễ dàng tìm thấy nhiều trang web, facebook cá nhân quảng cáo bán mỹ phẩm với nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới của Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… hoặc sản phẩm gia truyền.
Để tạo lòng tin cho khách hàng, một số trang mạng đăng cả số điện thoại, địa chỉ văn phòng, nhưng hầu hết là địa chỉ ảo. Bởi, các shop ảo này có thể tránh được sự quản lý của các cơ quan chức năng và nếu xảy ra sự cố thì người dân không biết đâu mà tìm. Ví dụ như một trang quảng cáo sản phẩm mặt nạ thuốc bắc trắng da, trị nám, đăng địa chỉ ở số 22 phố Lãn Ông, thực tế trên phố này không có số nhà 22.
Theo thông tin mỹ phẩm trang web có tên “mỹ phẩm cung đình” ghi địa chỉ ở 102 Thái Thịnh, Hà Nội nhưng khi đến địa chỉ này thì không có công ty nào cả. Liên lạc theo số điện thoại được cung cấp một nữ nhân viên cho biết công ty đã chuyển địa điểm và chỉ bán hàng “online”, hiện không có hàng mẫu cho xem trước. Mỹ phẩm này có công dụng làm da trắng tức thì và còn có thêm nhiều công dụng khác như giải độc, tăng khả năng chống lại tia tử ngoại UV, UVB.
“Hiện nay chỗ em chỉ là văn phòng giao dịch thôi, không có sản phẩm hoặc văn phòng trưng bày sản phẩm cho chị xem đâu. Đơn hàng em chuyển về kho và miễn phí giao hàng tận nhà cho chị. Chị không mất tiền vận chuyển đâu. Một lọ sản phẩm có giá 360 nghìn, dùng được 3 tháng, 1 tuần bôi 3 lần. Sản phẩm làm trắng da, chống nắng, trị mụn, trị thâm nám, tàn nhang rất tốt”- Nữ nhân viên trả lời.
Các trang bán mỹ phẩm online với những lời quảng cáo “có cánh” và đăng kèm ảnh của những khách hàng đã sử dụng để “tô vẽ” về công dụng làm trắng da và trị nám triệt để. Phần lớn các mặt hàng này đều sản xuất trong nước, không có thương hiệu, không có kiểm định của cơ sở y tế. Tuy mập mờ về nguồn gốc và thành phần nhưng giá phải chăng, phù hợp thu nhập của dân văn phòng, sinh viên, chỉ vài chục nghìn đến 100-200 nghìn/sản phẩm.
Chị Lê Thanh Hà ở quận Cầu Giấy cho biết, do đặt lòng tin vào những lời tư vấn của chủ shop ảo nên đăc đặt mua sản phẩm dưỡng trắng da của hãng Chloe của Pháp. 3 ngày đầu, chi Hà bôi da trắng sáng hẳn, các vết thâm nám cũng mờ rõ rệt. Tuy nhiên, sau đó phải dừng sử dụng vì da bắt đầu sần sùi, nổi mụn và mẩn ngứa.
Chị Lê Thanh Hà chia sẻ: “Tôi đặt mua kem dưỡng trắng da chloe. Bôi lên mặt chỉ 1 giờ sau mặt đã nổi mẩn ngứa, đỏ rát rồi mặt bị sưng. 5 ngày sau mới hết sưng và mặt bị bong một lớp da. Tôi cũng không thể phân biệt được kem thật, kem giả và cũng không biết người bán ở đâu để họ chịu trách nhiệm cho mình”.
Tiền bỏ túi, bệnh tật tự chịu
Quan sát “cửa hàng” bán mỹ phẩm trên mạng, người tiêu dùng có thể tìm được nhiều sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng với giá rẻ như son môi, phấn má, mascara, nước hoa hồng, kem dưỡng da… của nhiều hãng mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như Maybelline, Chanel, Essance, Dior, Shiseido, Lancome, L’Oreal Paris… nhưng được chào bán với giá chỉ bằng một nửa, 1/3, thậm chí 1/10 giá trị của sản phẩm thật đang có trên thị trường. Nhiều trang bán hàng còn quảng cáo sản phẩm hàng xách tay, hàng do người nhà mang về để lừa người tiêu dùng.
Những sản phẩm giả giống hàng thật từ bao bì, nhãn mác, nhãn phụ, màu sắc, hình dáng… mà người tiêu dùng thông thường rất khó phân biệt.
Ham rẻ, không ít người mau sử dụng đã phải đến điều trị tại bệnh viện do da mặt nổi mụn dày đặc. Do mua hàng online không có hóa đơn, nhiều người dân không thể trả lại hàng hoặc tố cáo với cơ quan chức năng đành chịu cảnh tiền mất tật mang, hủy hoại nhan sắc.
Em Nguyễn Thu Hương ở Thái Nguyên, đang điều trị da mặt do dùng mỹ phẩm đặt mua trên mạng, nói: “Chị em mua trên mạng kem che khuyết điểm của hãng mỹ phẩm Nyx, hãng này cũng khá nổi tiếng. Chị mua thì em dùng, mới dùng 1 lần mà mặt đã bị nổi mụn nhiều nên em phải đến viện để khám”.
Theo các chuyên gia về da liễu, các loại mỹ phẩm tẩy trắng da, kem lột da đều chứa những loại hóa chất tẩy. Những chất tẩy này khi được thoa lên da sẽ tẩy, làm bong tróc lớp biểu bì trên da, để lại phần da non phía trong, do vậy gây ảo giác cho người sử dụng về công dụng làm trắng. Đa số các kem làm trắng bán trôi nổi ngoài thị trường thường chứa thuốc kháng viêm corticoid với hàm lượng khó kiểm soát. Lúc đầu sử dụng da sáng mịn, bớt mụn nhưng dùng một thời gian sẽ gây biến chứng, bị ngứa và nổi mụn. Các mạch máu dưới da bị giãn nên việc điều trị rất tốn thời gian lại khó khôi phục tình trạng ban đầu. Các loại phấn, son rẻ tiền thường chứa rất nhiều chì, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.
Bác sĩ Đàm Thúy Hồng, Bệnh viện Da liễu Hà Nội khuyến cáo: “Khi mình bỏ tiền ra mua sản phẩm hay điều trị bệnh thì phải biết đó là sản phẩm đó, cơ sở đó có uy tín, và hơn cả là tìm hiểu yếu tố con người. Nếu ai bảo bạn mua sản phẩm đang có trên thị trường thì không nên theo người ta theo kiểu hiệu ứng đám đông. Bạn phải gặp bác sĩ da liễu, không bôi các sản phẩm đang bán trên thị trường khi không biết rõ xuất sứ, nguồn gốc, để rồi mang họa vào thân” .
Mỹ phẩm rởm, kém chất lượng, giá rẻ, không rõ nguồn gốc không chỉ công khai bán trên mạng mà còn được bày bán tại nhiều shop mỹ phẩm cũng như tại các khu chợ dành cho sinh viên, chợ đêm... Giá rẻ thì chất lượng cũng sẽ kém và ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng là điều không tránh khỏi. Chính vì vậy, chị em phụ nữ cần thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm, lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra./.