Từ trước đến nay, trong các giáo trình cơ bản về kinh tế học vi mô, người ta vẫn nhắc đến độc quyền đi kèm với sự thất bại của thị trường – khi mà một doanh nghiệp có quyền thao túng giá cả, họ sẽ đưa ra mức giá nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Đó là về mặt lý thuyết. Trên thực tế ít có một mô hình độc quyền hoàn hảo nào để người ta có thể quan sát rõ ràng hết sự thao túng, và lòng tham của một doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp “rút tiền” của người tiêu dùng một cách từ từ, khôn ngoan, thậm chí người tiêu dùng nhiều khi cũng không nhận ra.
Tuần vừa qua, một công ty dược phẩm là Turing Pharmaceuticals đã là một ví dụ điển hình cho mô hình kinh doanh độc quyền, gây tổn hại đến quyền lợi khách hàng.
Tháng 8/2015, Turing mua lại phương thức sản xuất thuốc Daraprim với giá 55 triệu USD và trở thành hãng độc quyền sản xuất loại thuốc này. Daraprim là loại thuốc đặc trị, hỗ trợ điều trị bệnh HIV/AIDS.
Đáng nói là, sau khi trở thành hãng dược độc quyền, gần như ngay lập tức, Turing tăng giá thuốc Daraprim từ mức 13,5 USD/viên lên mức 750 USD/viên. Mức tăng lên tới trên 50 lần - chính xác là 55 lần. Đây là một mức tăng siêu thực, vượt quá mọi sự hình dung trước đó.
Việc tăng giá thuốc của Turing dấy nên một làn sóng phản đối trên khắp nước Mỹ, từ các tổ chức phi chính phủ đến các chính khách. Bà Hilary Clinton cáo buộc việc tăng giá thuốc Daraprim là một hành động vô nhân đạo…
Người sáng lập đồng thời là CEO trẻ của Turing là Martin Shkreli (32 tuổi) nhanh chóng từ "cậu bé thiên tài" trở thành “người đàn ông bị ghét nhất nước Mỹ” - đều với "tài năng" về tài chính của mình.
Việc tăng giá thuốc, mặc dù được phía Turing bao biện nhằm dùng tiền thu được để nghiên cứu các phương pháp điều trị mới, trước phản ứng dữ dội từ cộng đồng, phía Turing đã đưa ra cam kết sẽ hạ giá thuốc Deraprim xuống – tuy nhiên từ chối tiết lộ mức giá sau khi giảm.
Trên thực tế, Turing không phải là ví dụ duy nhất của việc lợi dụng tình trạng độc quyền để tăng giá.
Cycloserine – một sản phẩm đặc trị khác do hãng Rodelis Therapeutics sản xuất đã tăng giá một mạch từ mức 16,7 USD/viên lên mức 360 USD/viên. Lý giải cho điều này, đại diện Rodelis cho biết công ty cần phải đầu tư để đảm bảo chất lượng thuốc, đồng thời sẵn sang cung cấp thuốc miễn phí cho các bệnh nhân có nhu cầu.
Cũng “tình cờ”, việc tăng giá thuốc của Rodelis cũng diễn ra ngay sau khi hãng này được chuyển nhượng quyền khai thác Cycloserine cho khu vực Bắc Mỹ - vào tháng 8 vừa qua.
Rõ ràng, mô hình kinh doanh độc quyền mang lại tổn hại đối với hầu hết người tiêu dùng, những người có nhu cầu thực sự đối với sản phẩm, đặc biệt lại là sản phẩm thuốc men.
Ở Việt Nam, các sản phẩm/ dịch vụ như điện, nước, xăng dầu...hiện nay cũng đứng trước nhiều tranh cãi về chính sách giá cả.
Ngành điện đang loay hoay với các phương án tính giá điện cho người tiêu dùng. Có nhiều phương án được đưa ra nhưng tựu chung lại, tinh thần chung là với mức tiêu dùng cao hơn, người tiêu dùng phải trả mức giá cao hơn. Với lý do tài nguyên đang cạn kiệt, điện sản xuất cung không đủ cầu và yêu cầu người dân tiết kiệm điện.
Cũng chỉ biết vậy, người tiêu dùng Việt phải chấp nhận mọi mức giá mà “nhà đèn” đưa ra.
Từ 1/10/2015, giá nước sạch tại Hà Nội chính thức tăng 20%. Giá nước tăng trong tình trạng tại nhiều khu vực, việc thiếu nước sinh hoạt vẫn xảy ra. Nghiêm trọng hơn, trước khi tăng giá nước 4 ngày, đường ống nước Sông Đà vỡ lần thứ 16, hàng nghìn hộ dân bị mất nước….
Nhưng rồi, người tiêu dùng không có quyền chọn lựa nhà cung cấp nào khác. Cũng không thể không sử dụng nước sạch…
Quay trở lại với tình hình giá thuốc tại Mỹ. Hiện vẫn chưa có cách nào giải quyết tình trạng các doanh nghiệp độc quyền tăng giá sản phẩm như trường hợp của Turing và Rodelis Therapeutics. Một trong những chiến lược vận động tranh cử Tổng thống của bà Hillary Clinton là sẽ áp dụng mức trần giá thuốc – mang lại lợi ích cho bệnh nhân nói chung. Nhưng đó cũng vẫn là chuyện của tương lai.
Rõ ràng, độc quyền từ trước đến nay, ở mọi nơi, đều là vấn đề nhức nhối khó giải quyết. Những thất bại thị trường do độc quyền gây ra tác động trực tiếp, gây tổn hại đến người tiêu dùng trên phạm vi vô cùng rộng lớn. Rốt cuộc thì cơ chế thị trường hay sự can thiệp của các cơ quan công quyền sẽ giải quyết rốt ráo vấn đề này?
Theo Cafef.vn