Đến nay, cả nước chỉ có 2 công ty sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) được cấp Chứng nhận "Thực hành tốt sản xuất thực phẩm chức năng” (GMP). Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị của Hiệp hội TPCN tổ chức tại Hà Nội vào ngày 22/11/2014, tổng kết hoạt động 2014, bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2015.
Ảnh: Đại diện 2 Công ty IMC và Âu Cơ được trao chứng nhận GMP
Phát triển mạnh mẽ song việc quản lý TPCN vẫn đang là thách thức đối với ngành TPCN Việt Nam. Cả nước mới có 2 Công ty sản xuất TPCN đạt GMP là quá ít.
Mới có 2 công ty đạt GMP
Việc đạt được các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành tốt sản xuất thực phẩm chức năng (gọi tắt là GMP) là một phần của việc đảm bảo chất lượng, giúp khẳng định sản phẩm được sản xuất một cách đồng nhất và được kiểm soát theo đúng các tiêu chuẩn phù hợp với mục đích sử dụng, cũng như theo đúng các quy định của giấy phép lưu hành.
Hiện nay cả nước có hơn 3500 cơ sở sản xuất TPCN nhưng hiện Bộ Y tế chưa ban hành được Thông tư quản lý TPCN. Việc thực hiện các tiêu chuẩn GMP chưa trở thành yêu cầu bắt buộc, khiến các doanh nghiệp TPCN trong nước chưa đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài và "thua ngay trên sân nhà”.
Theo PGS. TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN, năm 2013, cả nước có tới 6.851 sản phẩm TPCN, tăng 24,24% so với năm trước và đều được đăng ký lưu hành, nhưng số lượng trong nước sản xuất chỉ đạt 1.333 sản phẩm, chiếm 19,45%, trong khi có tới 5.518 sản phẩm TPCN được nhập khẩu, chiếm 80,55%.
Một phần sự "thất thế” này do trào lưu suy thoái của các doanh nghiệp VN nói chung, nhưng lý do chính là thiếu chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất TPCN trong nước, từ khâu nuôi trồng dược thảo đến cơ sở sản xuất, trang thiết bị cũng như các quy định về quản lý, đánh giá nguy cơ.
Cho đến nay, VN cũng mới có 2 công ty là IMC và Âu Cơ được chứng nhận đạt GMP. Ông Hà Hồng Phúc, Tổng công ty Cổ phần đầu tư và sản xuất Âu Cơ, một trong 2 công ty đầu tiên được cấp giấy chứng nhận GMP, cho biết: "Thực hành sản xuất tốt TPCN là điều cần thiết, là bằng chứng, chứng nhận cho một đơn vị tổ chức sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế. Song việc thực hiện các tiêu chuẩn GMP hiện nay chưa là yêu cầu bắt buộc. Điều này theo tôi chưa tạo được động lực cho các đơn vị sản xuất; mặc dù thực hiện các tiêu chuẩn GMP sẽ có nhiều lợi ích lâu dài cho công ty và người tiêu dùng”.
Đạt GMP để cạnh tranh hàng ngoại
Không ít sản phẩm TPCN sản xuất ra thiếu bằng chứng khoa học và các tiêu chuẩn chất lượng, quá trình sản xuất thiếu sự kiểm soát... khiến người tiêu dùng giảm lòng tin vào các sản phẩm nội địa. Đó không còn là nguy cơ mà đã là một thực tế.
Khắc phục tình trạng này, Hiệp hội TPCN đã kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất TPCN thực hiện lộ trình bắt buộc đạt tiêu chuẩn GMP từ năm 2015 đến 2020, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu sang nước ngoài.
"GMP là một xu hướng tất yếu. Tôi nghĩ rằng cơ quan quản lý sẽ không chỉ khuyến cáo, khuyến khích mà sau này tiến tới bắt buộc tất cả các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng đều đạt GMP giống như trong sản xuất thuốc tân dược”, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng nhấn mạnh. Ngay cả thuốc thú y cũng phải đòi hỏi đạt tiêu chuẩn GMP, sản xuất thực phẩm cũng phải đạt tiêu chuẩn GACP, GLP, vì đó là tiêu chuẩn văn minh của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tạo ra một sân chơi cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trên thị trường.
Hiệp hội TPCN cho rằng, năm 2015 cần đẩy mạnh truyền thông cộng đồng để Hiểu đúng - Làm đúng - Dùng đúng TPCN. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mọi mặt.
Theo Văn Hải - baomoi.com