Là quốc gia có tiềm năng, nhưng Việt Nam lại nhập khẩu dược liệu rất nhiều do giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh kém. Hướng đi nào cho thị trường cây dược liệu của Việt Nam vẫn là câu hỏi lớn.
Thị trường tiềm năng
Phát biểu tại buổi Họp báo Hội chợ dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất năm 2019 tổ chức chiều ngày 4/3, ông Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho hay, hiện ta vẫn phải nhập khẩu khá nhiều dược liệu. Lý do là bởi dược liệu sản xuất ra giá thành khá cao. Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất không biết giới thiệu.
Theo báo cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50-60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Theo đó, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam là rất lớn.
Mặc dù có tiềm năng thế mạnh lớn, nhưng hiện nay Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước, còn lại 75% vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Việt Nam cũng chưa đưa được các bài thuốc quý, chưa trở thành hàng hóa có giá trị cao và được sử dụng rộng rãi.
Xung quanh vấn đề này, ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) nêu quan điểm: Việt Nam có nhiều dược liệu có tiếng nhưng một trong những điểm hạn chế là chưa làm tốt khâu xúc tiến thương mại. Việc sản xuất, chế biến, đưa sản phẩm y dược cổ truyền ra thị trường chưa được kết nối tốt.
Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn khác được các chuyên gia trong ngành cho hay, nhiều dược liệu quý của Việt Nam được xuất thô sang nước ngoài, được chiết hết hoạt chất rồi bán lại bã dược liệu (thật ra là rác) về lại cho Việt Nam sản xuất thuốc đông y, thực phẩm chức năng. Lá dâm dương hoắc là một ví dụ. Đây loại thuốc quý mọc ở vùng cao cũng như các dược liệu quý khác được nhiều thương lái Trung Quốc vào các thôn bản thu mua sạch đã mấy chục năm nay, đưa về Trung Quốc hút hết hoạt chất bằng hệ thống chiết xuất lấy tinh chất bằng công nghệ cao áp. Sau đó, bã dược liệu với hình thức, màu, mùi vị nhưng không còn chất từ Trung Quốc được xuất trở lại Việt Nam với giá rẻ và được tiêu thụ mạnh.
Giải pháp nào cho dược liệu Việt?
Bên cạnh những tồn tại nêu trên, ông Bùi Thanh Tùng - Trưởng phòng Quản lý dược cổ truyền (Cục Quản lý y, dược cổ truyền) thông tin thêm: Nói tới dược liệu, phần nhiều là nhập khẩu nhưng hiện nay Việt Nam cũng xuất ngược sang Trung Quốc, nhất là dược liệu thu hái tự nhiên và cả một số dược liệu nuôi trồng. Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu cả ngải cứu, ích mẫu nhưng hiện nay có nhiều dược liệu không phải nhập khẩu và tiến tới sẽ ngày càng có nhiều dược liệu khác không phải nhập khẩu.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng thừa nhận, phải công nghiệp hóa nuôi trồng dược liệu cộng với yếu tố giống, năng suất cao… mới mong giảm giá, từ đó cạnh tranh được với dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Còn theo ông Phạm Vũ Khanh, hiện nay, thế giới đa phương nên phải tìm cách để giảm chi phí đầu vào và tăng đầu ra. Muốn đạt được điều đó, yếu tố đầu tiên là phải sản xuất lớn với nguồn giống tốt, áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Nếu chỉ sản xuất nhỏ lẻ thì không thể cạnh tranh được.
Để tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền của các doanh nghiệp nuôi trồng, khai thác, kinh doanh dược liệu; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sâu rộng các sản phẩm dược liệu sạch an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng… từ ngày 20-25/3 tới, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) sẽ diễn ra Hội chợ dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất năm 2019.
Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp:Hội chợ sẽ là sàn giao dịch để các bên biết nhau. Những hợp đồng cho vấn đề dược liệu sẽ được liên thông hơn. Nhiều người ký kết được hợp đồng sẽ chủ động ký kết vùng nuôi trồng từ quy mô nhỏ đến lớn.