Pfizer và Allergan vừa thông báo các kế hoạch cho vụ M&A lớn nhất kể từ đầu năm đến nay với giá trị 160 tỷ USD. Ngay lập tức, các chính trị gia đã tìm được cách để bắt lỗi thương vụ này.
Sau khi sáp nhập,
Pfizer sẽ chuyển trụ sở về Ireland – nơi
Allergan đăng ký kinh doanh và hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 12,5% - thấp hơn đáng kể so với mức 39,2% ở Mỹ. Riêng đối với trường hợp của Pfizer, thuế sẽ giảm từ khoảng 25% xuống còn 17%.
Động thái này chính là một cách để né
thuế được sử dụng rộng rãi bởi các công ty dược phẩm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không phải lúc nào nó cũng trở thành vấn đề gây tranh cãi về mặt chính trị. Dẫu vậy, kể từ khi những thông tin về thương vụ này xuất hiện vào hôm qua, nhiều chính trị gia trong đó có Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã bắt đầu lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Nhà Trắng tuyên bố không có bình luận đặc biệt nào về vụ M&A này, nhưng cũng khẳng định Quốc hội nên có hành động ngăn chặn những hành động kiểu như thế này.
CEO của Pfizer là Ian Read – người không hề giấu giếm tham vọng giảm số thuế mà Pfizer phải đóng – dường như cũng đã đoán trước được điều này. Ông nói rằng công ty đã “đánh giá hoàn cảnh chính trị và luật pháp” và quyết định rằng đây là cách tốt nhất. Sau đó trong cuộc phỏng vấn với CNBC, Read cũng khẳng định “đây là thương vụ tuyệt vời đối với nước Mỹ”.
Tuy nhiên không phải ai cũng đồng ý với điều này. Thượng nghị sĩ Sanders là người đầu tiên lên tiếng: “Vụ sáp nhập Pfizer-Allergan sẽ là một thảm họa đối với người tiêu dùng Mỹ - những người sẵn sàng trả mức giá cao nhất thế giới cho những loại thuốc kê đơn. Một công ty lớn lại được phép che giấu lợi nhuận của nó ở nước ngoài”.
Sanders nói thêm rằng Chính phủ đương nhiệm nên ngăn chặn thỏa thuận này: “Nội các của ông Obama có đủ thẩm quyền để ngăn chặn vụ sáp nhập này, và họ nên thực thi điều đó”.
Trước đây Bộ Tài chính Mỹ đã từng thực thi quyền của mình. Năm 2014, cơ quan này khiến thương vụ tương tự giữa AbbVie và Shire phải ngừng lại vì lý do trốn thuế. Tuần trước, Bộ Tài chính cũng bổ sung thêm một số điều luật chống trốn thuế. Tuy nhiên, Pfizer cho rằng hãng vẫn tuân thủ đúng luật lệ.
Đến nay vẫn chưa rõ Bộ Tài chính Mỹ sẽ có động thái nào tiếp theo, và nhà đầu tư đang nhìn vào những bình luận của các chính trị gia. Cổ phiếu của Allergan giảm 3,3% trong phiên giao dịch chiều qua.
“Hệ thống thuế rất phức tạp, và Bộ tài chính không thể thay đổi luật mà không có Quốc hội thông qua. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ khiến Allergan gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với hai nguồn tiền – tiền mặt ngay tại thời điểm sáp nhập và dòng tiền trong tương lai được tạo ra sau khi sáp nhập. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích về thuế’, các chuyên gia của Moody’s nhận định.
Sanders không phải là người duy nhất phản đối. Trump nói rằng thỏa thuận này khiến nước Mỹ mất rất nhiều việc làm, và các chính trị gia nên cảm thấy xấu hổ vì điều đó.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng phê phán vụ M&A này: “Từ lâu nay các tập đoàn hùng mạnh đã khai thác những lỗ hổng chính sách để che giấu lợi nhuận ở nước ngoài và giảm số thuế phải đóng. Giờ đây Pfizer đang làm như vậy. Người nộp thuế ở Mỹ sẽ bị thiệt”.
Ứng viên của đảng Dân chủ là Martin O'Malley cũng phản đối: “Về cơ bản thì vụ M&A này là không công bằng, và đây là một ví dụ cho thấy thiếu sót của nền kinh tế tư bản. Các doanh nghiệp nhỏ và người nộp thuế không có khả năng điều khiển cuộc chơi cũng như trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế”.
Pfizer và Allergan hi vọng có thể chốt lại thương vụ này vào nửa cuối năm 2016.
Theo Trí thức trẻ/Business Insider