90% sản phẩm hóa dược phải NK
Tại Hội thảo “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam tầm nhìn đến năm 2035” diễn ra mới đây, các ý kiến đều cho rằng, cần có những giải pháp ưu tiên để thúc đẩy ngành hóa dược phát triển bền vững.
Số liệu về hiện trạng ngành công nghiệp hóa dược của Bộ Công Thương cho thấy, nguồn nguyên liệu tổng hợp hóa học còn nghèo nàn do công nghiệp hóa chất cơ bản, công nghiệp hóa dầu chưa phát triển, nguyên liệu đều phụ thuộc NK, lên tới trên 90%. Trong số 170 cơ sở sản xuất dược phẩm, chỉ có 7 cơ sở sản xuất nguyên liệu hóa dược với 2 trong số 7 cơ sở đạt thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP). Ngoài ra, thuốc sản xuất trong nước chủ yếu là thuốc gốc (generic) có giá trị thấp, khả năng cạnh tranh kém.
Tập trung các giải pháp trọng điểm
Bên cạnh đó, ngành hóa dược Việt Nam khó cạnh tranh với nước ngoài, đặc biệt là hai cường quốc hóa dược Trung Quốc và Ấn Độ. Theo ông Lưu Hoàng Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), các nước đi trước trong ngành hóa dược đã sản xuất các sản phẩm với giá thành và chi phí thấp, sẵn sàng cạnh tranh với các sản phẩm nội địa của Việt Nam. Vì thế, các nhà sản xuất Việt Nam có tâm lý sản xuất những mặt hàng thông thường, chi phí thấp, hiệu quả không cao nhưng an toàn hơn khi sản xuất các nguyên liệu hóa dược đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, công nghệ cao.
Để phát huy nội lực, nâng cao khả năng cung ứng, thúc đẩy phát triển ngành hóa dược theo hướng bền vững, đáp ứng được nhu cầu thị trường và từng bước hướng tới xuất khẩu, Bộ Công Thương đã đề xuất một số định hướng ưu tiên, giải pháp cụ thể cần được xem xét và triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trong đó, cần đầu tư có trọng điểm các cơ sở sản xuất hóa chất và nguyên liệu làm thuốc. Ưu tiên đầu tư sản xuất các loại thuốc thiết yếu, có thế mạnh xuất khẩu, từ dược liệu và thuốc gốc thay thế hàng NK. Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu; kết hợp chặt chẽ nguồn lực về con người và trang thiết bị của ngành dược, hóa chất với nguồn lực của các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu khoa học.
Chia sẻ về những giải pháp để vực dậy ngành công nghiệp dược phẩm, bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Traphaco - cho biết: Phát triển dược liệu ở Việt Nam cần sự chung tay, góp sức của cả 4 nhà gồm: Nhà nông, khoa học, quản lý và sản xuất. “Ngoài ra, cần chọn một số DN có năng lực để nhà nước đầu tư mạnh mẽ, hỗ trợ, bảo đảm cho họ xây dựng mô hình phối hợp 4 nhà, tạo dựng vùng sản xuất dược liệu, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, cung cấp dược liệu tốt và ổn định cho công nghiệp dược, y học cổ truyền và xuất khẩu” - bà Vũ Thị Thuận lưu ý.
Theo ông Nguyễn Quý Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Dược Việt Nam, chương trình hóa dược cần tập trung đầu tư chiều sâu vào phòng thí nghiệm trọng điểm có trang bị các dây chuyền nghiên cứu và sản xuất công nghiệp. Để công nghiệp hóa dược trở thành ngành mũi nhọn, thời gian tới, Ban chỉ đạo Chương trình Hóa dược phải rà soát lại các quy trình, thủ tục để có giải pháp đơn giản hóa, giúp doanh nghiệp (DN) thấy được lợi ích thiết thực khi tham gia nghiên cứu, phát triển hóa dược; đưa sản phẩm của DN ra thị trường nhanh và được bảo vệ tốt hơn.