Các nước trên thế giới đã áp dụng từ rất lâu, nhưng chỉ bắt buộc đối với các chế phẩm có dạng giống thuốc ở dạng viên các loại, dung dịch,… dùng ở liều lượng nhỏ và được phép sản xuất trên các dây chuyền sản xuất thuốc đạt chuẩn GMP thuốc theo các chiến dịch cho từng lô sản phẩm (kết thúc mỗi lô thì làm vệ sinh công nghiệp toàn bộ dây chuyền thì đổi hàng xen kẽ nhau). Họ cũng có thể áp dụng các mô hình khác tương đương như ISO 22000, HACCP… miễn sao nó phù hợp với bản chất và dạng sản phẩm. Chẳng hạn sản phẩm linh chi, đông trùng hạ thảo nguyên cây đóng gói sẵn có thể chỉ phải tuân thủ các hệ thống sản xuất tốt khác như GAP, Global GAP. Điểm k, Điều 12, NĐ 15/2018 cũng quy định các trường hợp tương đương như sau: Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực. Các sản phẩm nhập khẩu từ các nước đã áp dụng phổ biến các hệ thống kiểm soát sản xuất tốt nói trên thì dễ dàng có được chứng chỉ từ các nước xuất xứ. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước chưa được chứng nhận các hệ thống tương thích sẽ gặp khó khăn rất nhiều vì thời gian có hiệu lực bắt buộc chỉ còn khoảng 1 năm nữa.