Theo PGS.TS Lê Văn Truyền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế: Có rất nhiều doanh nghiệp đã đặt câu hỏi: Đạt GMP để làm gì khi mà chi phí sản xuất tăng, khả năng cạnh tranh thấp. Câu trả lời là: Là để nhà sản xuất có điều kiện sản xuất tốt nhất, cung cấp cho thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn và khi đó có thể mở rộng thị trường ra khu vực cũng như thế giới. Khi đó, không chỉ người tiêu dùng được lợi mà bản thân doanh nghiệp cũng thu được lợi nhuận. Nói rõ hơn, Theo Nguyên tắc GMP-HS, mọi quy trình sản xuất trong nhà máy GMP đều phải được thẩm định. Tức là, với quy trình trộn nguyên liệu cho một sản phẩm, bạn sẽ phải thử nghiệm các mẻ trộn với các khoảng thời gian trộn khác nhau, lấy mẫu kiểm nghiệm thông số để xác định độ đều, độ ổn định của các nguyên liệu khác nhau được trộn trong đó. Và rút ra, với liều lượng các nguyên liệu như vậy, cho một sản phẩm như vậy, thời gian trộn thế nào là tối ưu nhất. Từ đó, công nhân phòng pha chế cứ áp đúng thời gian đó cho mẻ nguyên liệu và chất lượng sản phẩm được đảm bảo. Đúng là tốn kém bước đầu nhưng sẽ cho ra những mẻ nguyên liệu chuẩn, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Còn nếu trộn không đúng thời gian, nguyên liệu không đều, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, người tiêu dùng dùng không thấy hiệu quả, sản phẩm không bán được… ai là người chịu thiệt? Hay nếu kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm không đạt, lô sản xuất bị hủy… ai là người chịu thiệt? Doanh nghiệp hay người tiêu dùng? Khi đó, giá kiểm nghiệm sản phẩm hay quy trình không còn quá đắt. Còn nếu thực hiện đúng quy trình, sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, doanh nghiệp sẽ được lợi nhiều hơn về cả uy tín và lợi nhuận.