Ngày 31/03/2016, Cục An toàn thực phẩm tổ chức buổi hội thảo xin ý kiến xây dựng tài liệu Hướng dẫn thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm chức năng (TPCN) tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo nhằm đánh giá năng lực doanh nghiệp, ghi nhận ý kiến đóng góp của doanh nghiệp nhằm hoàn thiện hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm trong lộ trình thực hiện GMP TPCN.
Hội thảo có sự tham dự của: TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y Tế), TS. Nguyễn Hùng Long và PGS. TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam (VAFF), PGS. TS Lê Văn Truyền – Phó Chủ tịch VAFF kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Chủ tịch Hội đồng Chứng nhận GMP Viện Thực phẩm Chức năng (VIDS), DS. Lưu Đức Du – Phòng quản lý ngộ độc Cục An toàn thực phẩm, cùng các vị đại biểu, đại diện của hơn 50 doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng khu vực phía Nam, và các phóng viên, nhà báo tới từ nhiều cơ quan báo, đài địa phương.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm TS. Nguyễn Thanh Phong khi phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh: “TPCN hiện nay đang trở thành một vấn đề rất nóng, là một thế mạnh của Việt Nam khi chúng ta có nền y học cổ truyền đứng thứ 2 thế giới. Dù có lợi thế về nguồn dược liệu vô cùng lớn nhưng muốn phát triển được phải áp dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nếu sản phẩm nhiều nhưng chất lượng không tốt thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà”
Cục ATTP sẽ nghiên cứu lộ trình để không làm khó doanh nghiệp mà hướng đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi sang việc áp dụng GMP. Trên cơ sở đó, thời hạn bắt buộc áp dụng GMP TPCN theo khuyến nghị của ASEAN là năm 2021. Tuy nhiên, tại Việt Nam dự kiến sẽ thực hiện sớm hơn để chúng ta có thể đi tiên phong trong khu vực và phát huy được thế mạnh của mình. Như vậy, thời gian các doanh nghiệp bắt buộc triển khai GMP TPCN dự kiến bắt đầu trong khoảng từ năm 2017-2018.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế – chuyên gia cao cấp về dược học cho rằng, kinh nghiệm từ triển khai và phát triển GMP từ ngành dược nước ta trước đây cho thấy, muốn đạt và phát triển nhà máy GMP thì quan trọng nhất là hệ thống quản lý, liên quan đến con người, chứ không phải chỉ là đầu tư xây dựng lại nhà xưởng to đẹp.
Sau khi ghi nhận ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, TS. Nguyễn Thanh Phong đã tổng kết hội thảo với 3 vấn đề được thống nhất như sau:
1. Các doanh nghiệp đều nhất trí về định hướng sẽ triển khai GMP TPCN.
2. Xem xét việc kết hợp sản xuất TPCN với sản xuất thuốc Đông y trên cùng 1 dây chuyền đã được cấp chứng nhận GMP WHO của Cục quản lý dược.
3. Sau khi kết thúc hội thảo, ban soạn thảo sẽ tổng hợp ý kiến, hoàn thiện và trình Bộ Y tế sẽ ban hành chính thức hướng dẫn triển khai tiêu chuẩn GMP TPCN.
GMPc Việt Nam