Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) đồng hành cùng nhãn hàng Tôn Colorbond và các đơn vị hỗ trợ khác như Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam (VNPCA), Công ty cổ phần GMPc Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn CEO “ Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Dược” ngày 9/3/2023 vừa qua.
Tại diễn đàn, đại diện của Cục Quản lý Dược Việt Nam (Bộ Y tế), Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cùng nhiều chuyên gia cao cấp về dược học đã thảo luận về thực trạng của ngành dược Việt Nam cùng những giải pháp thúc đẩy phát triển năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất dược.
Tại đây, những câu chuyện về phát triển nhà máy sản xuất dược tại thị trường nội địa cũng được các doanh nghiệp kể ra để cùng trao đổi kinh nghiệm với giới kinh doanh, các chuyên gia cùng những nhà hoạch định chính sách cho ngành dược.
Các diễn giả tọa đàm về thực trạng và giải pháp cho ngành sản xuất dược
Ngành dược Việt: Nhiều thách thức đi kèm cơ hội
Theo ông Truyền, ngành công nghiệp dược của nước ta đang có một thuận lợi rất lớn với tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đang đứng thứ 3 ở trong khối nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó, nước ta có cơ chế chính sách về ngành công nghiệp dược rất rõ ràng. Cụ thể, ngày 30-1-2023, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 36 về “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”. Trong đó, có mục tiêu cụ thể đến năm 2030, nước ta là một trong 10 quốc gia hàng đầu Châu Á về công nghệ sinh học, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và phát triển của các ngành.
Tuy nhiên, trong hai năm vừa qua, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, các viện nghiên cứu công nghệ sinh học và các nhà sản xuất chưa làm ra một loại vaccine được phê duyệt trong đại dịch Covid-19. “Đặc biệt là kit xét nghiệm Covid-19 cũng gặp vấn đề và vaccine phòng Covid-19 không thể phê duyệt được, mặc dù đây là vấn đề này được nước ta quan tâm. Có thể thấy rằng, đây là điểm yếu của ngành dược nước ta”, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Về cơ sở vật chất kỹ thuật, tỷ lệ nhà sản xuất đạt GMP tiên tiến hiện vẫn còn thấp. Tại Việt Nam, có hơn 200 nhà máy đạt tiêu chuẩn WHO-GMP nhưng không có nhà máy nào được WHO tiền thẩm định. Trong khi đó, đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sản xuất, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất gia công và cơ hội xuất khẩu sang nước ngoài.
PGS.TS Lê Văn Truyền - chuyên gia cao cấp dược học
PGS. TS. Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế tại diễn đàn CEO “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành sản xuất dược” được tổ chức vào ngày 9-3 tại TPHCM.
Trên thực tế, số lượng thuốc của Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài rất ít, trong đó đa số là các sản phẩm do nước ngoài đầu tư nhà máy sản xuất ở Việt Nam; sau đó xuất khẩu quay trở lại ra nước ngoài.
“Dù Nhật Bản là một nước khó tính nhưng nước ta đã xuất khẩu cho quốc gia này khoảng 23,7%. Tuy nhiên, đây là con số do các doanh nghiệp dược của Nhật Bản đầu tư nhà máy sản xuất trực tiếp ở Việt Nam, sau đó xuất khẩu sản phẩm quay trở lại quốc gia này”, ông Truyền cho hay.
Về năng lực sản xuất, R&D (nghiên cứu và phát triển), thử nghiệm, ông Truyền cũng cho rằng các doanh nghiệp dược vẫn còn hạn chế và phân tán những điểm này. Việt Nam vẫn chưa có trung tâm quốc gia về R&D đủ mạnh, hiện đại; đồng thời cũng thiếu các trung tâm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu sinh học mạnh và trình độ quốc tế.
Đáng nói hơn, hiện nay, các đơn vị vẫn đang vướng về quy định Bộ Y tế với yêu cầu trong đấu thầu phải có chứng minh tương đương sinh học. “Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư nhưng các cơ sở thử tương đương sinh học đang quá tải. Doanh nghiệp rất muốn làm tương đương sinh học nhưng vẫn phải xếp hàng chờ”, vị chuyên gia này cho biết thêm.
Cùng với đó, nước ta cũng chưa có khu công nghiệp riêng nào cho ngành sản xuất dược phẩm với một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Ngoài ra, năng lực tài chính của các doanh nghiệp dược Việt Nam còn hạn chế. Đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có một tập đoàn lớn mạnh dẫn dắt; đặc biệt là chưa hình thành được tập đoàn dược có quy mô quốc gia.
Thị trường dược nội địa: “sân chơi” của doanh nghiệp nước ngoài
Theo ông Truyền, thực trạng trên đã khiến cho thị trường dược Việt Nam vẫn còn là “sân chơi” của các doanh nghiệp dược ở nước ngoài. Kể cả thuốc generic (bản sao của thuốc biệt dược) sau khi hết bản quyền, các doanh nghiệp dược Việt Nam vẫn chưa sản xuất được, phải chờ vào Ấn Độ, sau đó đi sao chép lại. Một số ý kiến cho rằng, đa số các nhà cung cấp dược phẩm trong nước thiếu nguồn lực để khai thác thị trường nội địa. Vì vậy, mục tiêu cung cấp 80% sản phẩm dược phẩm cho nhu cầu của người dân là rất khó đạt được nếu không có những phát triển đột phá.
Thông tin tại diễn đàn, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế, cho biết dù có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10-12%/năm nhưng doanh nghiệp sản xuất trong nước chưa đóng vai trò chủ đạo trong thị trường dược phẩm. Thuốc sản xuất trong nước hiện cũng chỉ chiếm 45% tổng giá trị thuốc điều trị. Quy mô của các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm chưa lớn, số lượng mặt hàng không nhiều, hàm lượng khoa học công nghệ chưa cao là những hạn chế của ngành sản xuất dược Việt Nam. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 xảy ra là thời điểm ngành dược phẩm bộc lộ rõ những hạn chế và khó khăn.
Ông Tạ Mạnh Hùng (bên trái) - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế
Một số hình ảnh khác tại Diễn đàn
Diễn đàn thu hút đông đảo khách mời tham dự
Đội ngũ diễn giả là các chuyên gia trong ngành dược
Diễn giả chụp ảnh cùng các khách mời
Ông Đào Xuân Hưởng - Giám đốc GMPc Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nhà máy dược phẩm tiêu chuẩn GMP
Với vai trò đơn vị hỗ trợ diễn đàn, GMPc Việt Nam trân trọng cảm ơn sự đồng hành, ủng hộ, chia sẻ quý báu của quý Diễn giả và tất cả các khách mời. Diễn đàn CEO lần này sẽ là điểm khởi đầu, mở ra những Diễn đàn mới, với chủ đề thiết thực, hữu ích đáp ứng mong muốn đông đảo của cộng đồng Doanh nghiệp không chỉ trong ngành Dược mà còn mở rộng các ngành sản xuất khác như mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thiết bị y tế.