"Ngành công nghiệp dược phẩm tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng và Pharmacity có vị thế thuận lợi để nắm bắt nhu cầu của thị trường và cung cấp các dịch vụ cho mọi người dân Việt Nam, bất kể tuổi tác, nơi cư ngụ hay thu nhập của họ", CEO Chris Blank chia sẻ thêm.
Ngành công nghiệp Dược phẩm hiện tại trị giá 7,4 tỷ USD, chi tiêu trung bình cho dược phẩm đã tăng với tốc độ trung bình 14% trong 10 năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai… những thống kê sơ bộ cho thấy tiềm năng của thị trường dược phẩm Việt Nam, đồng thời lý giải cho cuộc đua khốc liệt của những tay chơi trên trường OTC.
Trong đó, Pharmacity vừa công bố kế hoạch 5 năm, tầm nhìn phát triển một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện, kết hợp hoạt động kinh doanh bán lẻ truyền thống với các dịch vụ y tế cơ bản, sản phẩm bảo hiểm cũng như các chương trình chăm sóc sức khoẻ khác.
Được thành lập từ năm 2011, Pharmacity hiện có hơn 600 nhà thuốc tại 14 tỉnh thành với hơn 3.000 nhân viên, 3 trung tâm phân phối tập trung và một mạng lưới phân phối tích hợp hoàn chỉnh.
Công ty sẽ mở rộng hệ thống với 1.000 nhà thuốc vào cuối năm 2021. Chuỗi nhà thuốc cũng sớm lên kế hoạch mở 5.000 nhà thuốc tại 63 tỉnh thành ở Việt Nam vào cuối năm 2025. Điều này cho phép hơn 50% người dân Việt Nam có thể đến nhà thuốc Pharmacity trong vòng 10 phút lái xe.
Tương ứng, chuỗi mục tiêu thu về mức doanh thu hơn 1,5 tỷ USD sau 5 năm và tạo ra lực lượng lao động với hơn 20.000 nhân viên, tăng từ 3.500 nhân viên như hiện tại.
Ông Chris Blank – Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Pharmacity cho biết: "Tầm nhìn của chúng tôi là Pharmacity trở thành sự lựa chọn hàng đầu về chăm sóc sức khỏe của tất cả mọi người dân Việt Nam. Các nhà thuốc của Pharmacity cung cấp đa dạng các loại dược phẩm bên cạnh các sản phẩm chăm sóc cá nhân, vitamins và các thức phẩm chức năng với hơn 10.000 sản phẩm".
Trong 5 năm tiếp theo, Công ty dự kiến phát triển hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Theo lộ trình, Pharmacity sẽ ra mắt "siêu ứng dụng" nhằm cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau bao gồm Dược sĩ và bác sĩ trực tuyến, lưu trữ hồ sơ sức khỏe, đặt xe cấp cứu và ứng dụng truy xuất.
Pharmacity cũng sẽ hợp tác với các công ty bảo hiểm để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phù hợp cho khách hàng của mình.
"Ngành công nghiệp dược phẩm tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng và Pharmacity có vị thế thuận lợi để nắm bắt nhu cầu của thị trường và cung cấp các dịch vụ cho mọi người dân Việt Nam, bất kể tuổi tác, nơi cư ngụ hay thu nhập của họ", ông Chris Blank chia sẻ thêm.
Đằng sau tham vọng lớn của Pharmacity là sự hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ từ trong nước cho đến quốc tế, bao gồm cả Mekong Capital có trụ sở tại Việt Nam và TR Capital – một công ty đầu tư cổ phần tư nhân có trụ sở tại Hong Kong.
Pharmacity cũng liên tục huy động vốn thời gian gần đây, điểm lại có đợt phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu (khoảng 6,5 triệu USD) vào cuối năm 2019. Đầu năm 2020, Công ty tiếp tục huy động 370 tỷ đồng (khoảng 31,8 triệu USD) – khoản đầu tiên của vòng series C.
Ông Chris Blank đánh giá: "Khi điều kiện sống được cải thiện, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là nhu cầu về dược phẩm cũng sẽ tăng theo cấp số nhân. Pharmacity nắm lấy cơ hội này, cả những thách thức của thị trường như chúng tôi đã và đang tiếp tục phục vụ nhu cầu người dân Việt Nam."