Nhằm chấm dứt tình trạng này, tới đây, sản xuất TPCN sẽ được áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), khi đó 50% DN sẽ phải bỏ cuộc chơi. Đây là nội dung buổi hội thảo xin ý kiến xây dựng tài liệu hướng dẫn GMP TPCN do Cục ATTP (Bộ Y tế) tổ chức sáng 29/3.
Lỗi của cơ quan quản lý
Đề cập đến thị trường TPCN hiện nay, PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam thừa nhận: Ngành TPCN Việt Nam đang tồn tại quá nhiều bất cập, sản xuất TPCN bị thả nổi, mất kiểm soát. Điều kiện lưu hành TPCN ở Việt Nam quá dễ do chưa quy định cụ thể những thành phần được phép có trong TPCN, vì vậy xuất hiện TPCN chứa cả chất cấm. Bên cạnh đó, tình trạng TPCN xách tay, lậu tràn lan lưu hành, không bảo đảm an toàn… gây thiệt hại cho người tiêu dùng (NTD). Ông Đáng nhấn mạnh thêm, điều kiện đủ để đăng ký sản xuất TPCN của Việt Nam quá dễ, tương tự các cơ sở sản xuất thực phẩm bình thường. Chính vì vậy, sản phẩm tung ra thị trường chưa đạt chất lượng, bát nháo, khó kiểm soát.
Đồng tình với quan điểm này, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền cho rằng, để sản phẩm TPCN kém chất lượng đến tay NTD là lỗi ở cơ quan quản lý. “NTD không thể phân biệt được đâu là hàng chất lượng hay kém chất lượng, vì vậy nhà chuyên môn và cơ quan quản lý phải có trách nhiệm bảo vệ NTD. Đối với TPCN, cần phải áp dụng theo chuẩn GMP”.
Khẳng định sự cần thiết phải áp dụng GMP, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho rằng, tiêu chuẩn GMP TPCN sẽ giúp cơ quan quản lý siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN ngay từ khâu sản xuất, tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN.
Sàng lọc doanh nghiệp
Việt Nam có hàng nghìn cơ sở sản xuất TPCN, trong đó nhiều cơ sở nhà xưởng sản xuất xập xệ, lạc hậu. Thậm chí, theo dẫn chứng của ông Phong, có DN chỉ thuê quầy hàng rộng 9 - 10m2 của một nhà dân nhưng vẫn đứng ra công bố sản xuất, kinh doanh TPCN. Khi sản phẩm phân phối ra thị trường có vấn đề, cơ quan quản lý truy tận gốc địa chỉ sản xuất nhưng khi đến, họ đã kịp chuyển địa điểm khác, và họ liên tục thay đổi địa chỉ khiến cơ quan quản lý “bó tay”. “Nếu không có một chế tài quản lý tốt, đặc biệt là quản lý điều kiện sản xuất TPCN, NTD sẽ chịu thiệt thòi vì khó lựa chọn được sản phẩm chất lượng. Bên cạnh đó, những DN làm ăn chân chính cũng chịu thiệt khi không cạnh tranh được trên thị trường” - ông Phong nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nếu áp dụng GMP, nhiều DN không đủ điều kiện sẽ phải bỏ cuộc chơi. Ước tính, 50% DN hiện nay sẽ không đủ điều kiện theo chuẩn GMP, nếu không thay đổi, đầu tư cả về nhân lực, nhà xưởng, điều kiện sản xuất sẽ buộc phải đóng cửa.
Theo lộ trình, sau khi xin ý kiến các bộ, ban, ngành, DN và địa phương, việc áp dụng tiêu chuẩn GMP sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2017.
Cục nọ “đá” cục kia, doanh nghiệp thiệt
Tại hội thảo, đại diện nhiều DN cho biết sẵn sàng áp dụng tiêu chuẩn GMP. Tuy nhiên, nhiều DN bày tỏ những băn khoăn, thắc mắc về những quy định “vênh” nhau giữa Cục Quản lý dược và Cục ATTP. Ông Hoàng Minh Châu - Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Dược cho biết, Công ty vừa sản xuất thuốc (cả tân dược và đông dược) vừa sản xuất TPCN và đã áp dụng tiêu chuẩn GMP. Năm 2012, Cục Quản lý dược kiểm tra Công ty và yêu cầu không được phép sản xuất TPCN trên dây chuyền thuốc đông dược, trong khi Cục ATTP lại cho phép. Dù vậy, Công ty đã phải đầu tư dây chuyền sản xuất TPCN riêng gây tốn kém.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Bùi Thị Song Sơn – Phó Giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương bày tỏ: Từ trước đến nay không được sản xuất TPCN trên dây chuyền sản xuất thuốc, dù là thuốc từ nguồn gốc thiên nhiên, nhưng nay, dự thảo hướng dẫn GMP TPCN lại cho phép. “Theo tôi, để tránh lãng phí cho DN, nên cho phép sản xuất TPCN trên dây chuyền sản xuất thuốc, quan trọng là có biện pháp tránh nhiễm chéo trong sản xuất. Nhưng chỉ sợ ngành dược tiếp tục không cho phép” - bà Sơn chia sẻ.
Về vấn đề này, ông Phong cho rằng: “Quan điểm của tôi là bát ăn cơm có thể dùng để ăn cháo, miễn là sau khi ăn cơm phải vệ sinh sạch sẽ. Với TPCN có thể sản xuất trên dây chuyền sản xuất dược, miễn là khâu vệ sinh thế nào để tránh nhiễm chéo. Về vấn đề này, tôi sẽ đề xuất Bộ Y tế để sửa quy định”. Ông Đáng nêu ý kiến: “Cần phải có quy định thống nhất giữa Cục Quản lý dược và Cục ATTP, nếu cứ đối lập nhau, mỗi "ông" một kiểu sẽ làm khó cho DN”.