Nguy hiểm hơn, mỹ phẩm "dỏm" được làm y chang như mỹ phẩm thật, nhưng giá chỉ bằng 1/10. Các loại mỹ phẩm làm "dỏm" được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng và hơn thế nữa, số lượng người mua loại mỹ phẩm này cũng hết sức đông đảo.
Trong vai người mua, chúng tôi đã tiếp cận với rất nhiều cửa hàng cũng như nhiều loại mỹ phẩm "dỏm" và không khỏi giật mình vì mỹ phẩm "dỏm" đang tràn ngập khắp nơi.
Loại nào cũng bị nhái nhãn
Trong vai một người đi "cất hàng" bán lẻ kiếm lời, chúng tôi đã dễ dàng lân la làm quen với các bà bán mỹ phẩm tại chợ Đồng Xuân. Khi được ngỏ ý "mua loại nào rởm rởm giá rẻ một chút, nhưng có mẫu mã đẹp để dễ bán", tôi đã thực sự "hoa mắt" bởi sự phong phú của các loại son, chì kẻ mắt, phấn nền, phấn lót, mascara, keo vuốt tóc, gel lăn nách... Đảm bảo ngay cả nhân viên của các hãng mỹ phẩm "xịn" khi cầm sản phẩm làm "dỏm" này cũng sẽ bị nhầm lẫn.
Hầu hết các loại mỹ phẩm này đều có kiểu dáng và màu sắc rất bắt mắt, bao bì đẹp, chất liệu hộp nén (phấn), ống đựng (son) đều hoàn toàn như thật. Son môi, phấn nền, nhũ mắt lại có rất nhiều gam màu tươi sáng trẻ trung, đang được coi là màu "nóng" nhất của mùa hè năm nay như hồng cam, tím bạc, nhũ đồng, nâu non, hạt lựu, đỏ san hô...
Nhìn những thỏi son tỏa nhũ lấp lánh, lại đang đeo "mác" Hồng Kông, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Italia... được "quát" với giá vài trăm ngàn đồng, thì khách hàng nào "bạo gan" lắm cũng chỉ dám bớt 1/3 giá, tức là phải từ 100.000đ - 200.000 đồng/ thỏi, không dám trả rẻ hơn. Thế nhưng, khi được hỏi giá bán chúng tôi không khỏi giật mình bởi giá rẻ đến mức quá bất ngờ: Các loại son này giá đắt nhất cũng chỉ... 12.000 đồng/thỏi.
Tại cửa hàng Hà Xuân trên phố Hàng Ngang, cửa hàng tại 448 đường Láng và nhiều cửa hàng khác trên phố Tây Sơn, Cầu Giấy, Khâm Thiên, Bạch Mai... chúng tôi dễ dàng mua được những thỏi son Shiseido "made in USA" có độ chống nắng 15, hay những hộp phấn nén của các hãng có tên tuổi khác với giá chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng, trong khi sản phẩm thật của hãng này lên tới hàng trăm ngàn đồng.
Chúng tôi cũng dễ dàng mua được những thỏi son của Pháp, Italia, Hàn Quốc... với giá rẻ giật mình và được các nhân viên bán hàng ở đây trấn an: "Hàng ăn cắp xách tay về nên giá rẻ" (?!).
Chiêu thức của các chủ hàng là không đóng gói cẩn thận, để lăn lóc trong các quầy hàng khiến sản phẩm bong tróc hết nhãn mác, màu sơn bị trầy xước cho... giống hàng xách tay, khi khách hàng chê bai thì lý giải: "Hàng xách tay khi mang lên máy bay phải bóc hết nhãn mác để hải quan nhầm là đồ dùng của tiếp viên hàng không" (!).
Phần lớn, những loại mỹ phẩm của các hãng đã có tên tuổi như: LanCôme, Christian Dio, L'oreál, Nivea, Essance, Debon... mặc dù ghi "made in France, Germany, Italia, E.U, USA..." nhưng thực chất đều là hàng Trung Quốc.
Sản phẩm ngoại nhập bị làm giả đã đành, nhưng sản phẩm của những hãng mỹ phẩm đang có văn phòng đại diện tại VN cũng được bán theo hai loại: Có tem và không tem, và đương nhiên là loại không dán tem giá rẻ hơn nhiều so với loại có tem.
Chúng tôi thực sự kinh ngạc bởi món lời mà việc kinh doanh loại mỹ phẩm này mang lại: Một thỏi Essance "dỏm" chỉ có giá 12.000đ, nhưng có thể đánh tráo với hàng thật và bán ra với giá... vô định, cũng có thể là 45.000đ, 55.000 đồng, thậm chí 70.000 đồng tùy độ "gà" của khách. Một hộp phấn nén Christian Dio rởm giá 22.000 đồng có thể đánh tráo với hàng thật với giá hàng trăm ngàn đồng. Vừa đóng gói hàng cho chúng tôi, chị Vinh còn tư vấn thêm: "Mùa hè sắp đến rồi, dân đi biển sẽ tìm mua kem chống nắng xịn. Chị lấy kem chống nắng của LanCôme mà bán, lãi ít nhất 3 lần".
Theo gợi ý của chị Vinh, thì một hộp kem loại này mua vào giá 30.000đ, có thể bán ra tới 90.000 đồng mà vẫn được khách hàng rối rít khen rẻ vì là "hàng xách tay". Tôi nhìn hộp kem chống nắng LanCôme có màu cam rực rỡ, từ logo (bông hồng nhũ vàng), đến giấy hộp, vỏ đựng... đều y như thật: Chữ viết rõ ràng, sắc nét, vỏ nhựa dày dặn, màu sáng, tóm lại là nếu không đặt hàng thật và hàng giả cạnh nhau, thì chính người bán cũng khó lòng phân biệt. Đặc biệt là các loại son, từ vỏ hộp đến lớp nhựa, thỏi nào cũng được làm từ chất liệu cao cấp, khi cầm thấy nặng tay, nhưng khi sử dụng thì... hãy coi chừng!
Một thực tế không thể phủ nhận, là các loại mỹ phẩm nhái nhãn mác đều được bày bán khá công khai và rầm rộ, với một mức lãi gấp 3-4 thậm chí gấp cả chục lần, khiến ai cũng phải ham. Thế nhưng, không một cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm tra, xử lý.
Bà Tạ Thị Phúc Chân - Trưởng phòng Quản lý chất lượng thuốc và mỹ phẩm - Cục Quản lý Dược VN cho biết: Về nguyên tắc, mỹ phẩm nhập lậu sẽ bị tịch thu nếu các cơ quan chức năng phát hiện.
Hàng xách tay cũng không được phép kinh doanh và chỉ được "xách tay" về VN với một số lượng khống chế để sử dụng hoặc làm quà biếu. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, các mặt hàng nhập lậu và nhái nhãn này vẫn được bày bán công khai tại các chợ và các cửa hàng mỹ phẩm mà không gặp phải bất kỳ sự kiểm tra nào của các cơ quan chức năng. Ngày ngày, các cửa hàng mỹ phẩm dọc phố Hàng Đào, Hàng Ngang, ngõ Gia Ngư và nhiều chợ khác vẫn nườm nượp khách mua.
Chỉ tính riêng một cửa hàng trên phố Hàng Đường, chúng tôi đã thấy trong một giờ đồng hồ đã có hơn chục người vào cất hàng để mang về bán lẻ.
Cẩn thận kẻo mang tật vì mỹ phẩm
Ngoài việc phải bỏ ra một số tiền cao gấp hàng chục lần giá trị thực của món hàng, khách hàng còn sử dụng phải những loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm tra độ nhiễm khuẩn, độ kích ứng da... nên "tiền mất, tật mang".
Trao đổi với chúng tôi, BS Hoàng Phương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm da liễu Hà Nội cho biết: Đến mỹ phẩm xịn đã được đăng ký chất lượng còn có thể gây dị ứng, thì mỹ phẩm rởm càng nguy hiểm hơn. Đã có nhiều ca dị ứng mỹ phẩm phải điều trị dài ngày tại trung tâm. Mỹ phẩm rởm dễ gây mẩn mụn, nếu nặng có thể dẫn đến bội nhiễm. Thậm chí, những ca nặng và kéo dài có thể để lại sẹo ảnh hưởng đến dung nhan của phái đẹp.
Còn đại diện của Hãng mỹ phẩm Essance cho biết: Về mặt cảm quan, mỹ phẩm rởm hấp dẫn hơn nhiều vì có độ nhũ cao (son), màu phấn cũng sáng hơn do có pha nhiều chì. Lúc mới dùng, những kích ứng có thể chưa rõ rệt, nhưng nếu dùng trong một thời gian dài, thì da dần dần thô sần, mẩn ngứa, môi bị bong tróc, thậm chí phồng rộp, màu môi cũng sẽ dần bị thâm tím do bị nhiễm độc chì.
Hãng mỹ phẩm Debon - hãng có hàng nhái nhiều nhất, anh Nguyễn Hồng Quân - Trưởng phòng Marketing (Cty liên doanh mỹ phẩm Debon) bức xúc: "Chúng tôi đã tổ chức hẳn hội nghị về chống hàng giả, nhưng thực sự đây là một vấn nạn. Hàng giả như vòi bạch tuộc tỏa đi khắp nơi, rất khó kiểm soát. Chúng tôi chỉ còn cách duy nhất là lưu ý khách hàng mua sản phẩm đúng địa chỉ để tránh bị lừa".
Anh Trần Việt Lâm - đại diện cho Cty Tuấn Dương - đơn vị trực tiếp nhập khẩu sản phẩm Revlon (Mỹ) cũng cho biết Cty đang "điên đầu" vì sản phẩm bị nhái nhãn. Khoan chưa nói đến túi tiền của người tiêu dùng bị móc một cách không thương tiếc vì mỹ phẩm dỏm, thì chỉ riêng việc ngày càng có nhiều người bị thương tổn sức khỏe do dùng mỹ phẩm dỏm này cũng đã đủ để các cơ quan chức năng phải vào cuộc và xử lý thật nghiêm những cửa hàng bán mỹ phẩm dỏm. Mà muốn kiểm tra thì... "quá dễ".
Cách nhận biết mỹ phẩm Essance thật, giả
Đối với son Essance thật, đầu thỏi son chém 2 cạnh, vỏ nhựa màu xanh đen, vỏ trong bằng kim loại và đai có màu trắng bạc, logo Essance in dưới đai của thỏi son, tại phần đai luôn luôn có tem chống hàng giả do Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an cấp.
Đối với son Essance nhái, đầu thỏi son cũng được chém cạnh, vỏ nhựa màu đen, đai và vỏ trong làm bằng kim loại phun màu vàng, dòng chữ Essane được in phía trên nắp, ở nửa dưới của thỏi son không có tem chống hàng giả.
Đối với phấn Essane thật, vỏ phấn không có bao, vỏ nhựa hình chữ nhật màu xanh đen, dòng chữ Essance in thấp phía dưới, mặt phấn in chìm rõ lôgô Essance, lẫy mở màu ghi không có viền.
Đối với phấn Essane giả hộp thường được kèm thêm bao da hoặc bao nhung, vỏ nhựa có hình chữ nhật ngắn hơn hoặc hình tròn, vỏ màu xanh tím than, không có tem chống hàng giả, dòng chữ Essane được in ở giữa kèm thêm lôgô Debon, dòng chữ Two way cake được in nổi trên mặt phấn, lẫy hộp có màu xanh tím than có viền nhũ bạc.
Y.D/ Theo Người lao động