Bán mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp đang phát triển rầm rộ trên các mạng xã hội nhưng chất lượng, nguồn gốc xuất xứ lại chưa được kiểm soát.
Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện toàn bộ lô hàng trị giá 11 tỉ đồng của Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam do bà Nguyễn Thu Trang làm giám đốc, không có nguồn gốc xuất xứ. Cơ quan quản lý thị trường đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang Phòng Cảnh sát điều tra PC46 Công an Hà Nội để điều tra làm rõ thêm.
Điều đáng nói là công ty này rất nổi tiếng trên các mạng xã hội chỉ sau 2 năm thành lập và đã có hơn 2.500 đại lý trên khắp 63 tỉnh, thành và hơn 25 quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Nga, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Czech, Malaysia... Đại lý chủ yếu là những phụ nữ tham gia bán hàng trên mạng xã hội Facebook. Để tạo sự tin tưởng cho người dùng và các đại lý, đồng thời quảng bá cho thương hiệu của công ty, Nguyễn Thu Trang mời rất nhiều người mẫu, diễn viên, ca sĩ nổi tiếng làm đại sứ thương hiệu hoặc quảng cáo cho sản phẩm của mình trên Facebook và các trang mạng xã hội khác.
Tràn lan các trang bán mỹ phẩm trên mạng xã hội, kèm theo những lời mời chào hấp dẫn khiến người tiêu dùng "hoa mắt".
Tại thời điểm kiểm tra Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam, cơ quan quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện 100% sản phẩm của công ty không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Sản phẩm đều ghi "made in New Zealand" hoặc Hàn Quốc nhưng thực chất được đóng nhãn mác, bao bì tại kho xưởng của công ty. Cơ quan chức năng đã thu giữ trên 14.000 sản phẩm gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc này với trị giá ước tính lên tới 11 tỉ đồng.
Tuy nhiên, vụ việc ở Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam chỉ là số ít trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm trên mạng đang hết sức bát nháo. Người bán liên tục bày ra các chiêu trò để quảng bá sản phẩm và thu hút người mua như livestream, khuyến mãi, tặng quà, giảm giá... Thậm chí còn có cả đội ngũ chuyên lập Facebook ảo giả danh người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trên mạng rồi comment (bình luận), like (thích)... vào các status bán hàng nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, số lượng các shop mỹ phẩm online ngày càng nhiều nhưng những shop có đăng ký thương mại điện tử với Bộ Công Thương thì rất ít, các cơ quan chức năng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, xác minh về các shop này. Đặc biệt, có nhiều fanpage lập ra chỉ để bán mỹ phẩm online nhưng không hề cung cấp bất cứ thông tin về chủ sở hữu, số điện thoại và thông tin liên lạc, không có cả địa chỉ kinh doanh, tài khoản ngân hàng... khiến cho cơ quan chức năng rất khó quản lý. Rất nhiều người bán mỹ phẩm online không đăng ký kinh doanh, không kê khai doanh thu, bán hàng không có hóa đơn, chứng từ... gây thất thu thuế và khó kiểm soát.
Ông Hồng cho rằng mạng xã hội hiện nay là một trong những công cụ kết nối và quảng bá sản phẩm khá hiệu quả. Tính riêng mạng xã hội Facebook, ở Việt Nam hiện có đến 64 triệu người dùng. Việc sử dụng mạng Facebook như một kênh tiếp cận, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Để thu hút nhiều người chú ý đến sản phẩm, người bán sẽ dùng mọi cách để tăng độ tiếp cận của người dùng, từ việc mời các nhân vật có ảnh hưởng, nổi tiếng trên mạng xã hội như ca sĩ, diễn viên, người mẫu hoặc hot blogger... để giới thiệu, quảng bá cho đến những thủ thuật tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút người xem. Đây là cách mà hiện có nhiều thương hiệu áp dụng, kể cả ở quốc tế.
"Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là môi trường mạng xã hội, không chỉ riêng ngành hàng mỹ phẩm, có không ít những người bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng vẫn quảng cáo, PR thương hiệu như thật. Khi người dùng tin vào những người có ảnh hưởng công chúng như thế, khả năng lớn là họ cũng sẽ đặt niềm tin vào thương hiệu mà các nhân vật giới thiệu. Vì vậy, việc mua bán mỹ phẩm, hàng hóa trên mạng xã hội trở nên khó phân biệt thật giả. Ngay cả những giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm, phiếu công bố đăng ký chất lượng... cũng được nhiều đối tượng "phù phép" với những mộc đỏ hẳn hoi rồi đăng lên Facebook, shop online. Và họ tiếp tục "bồi đắp" niềm tin của người dùng bằng những hình ảnh người nổi tiếng cầm sản phẩm trên tay, nói những lời "có cánh" về sản phẩm" - ông Hồng phân tích.
Theo ông Nguyễn Viết Hồng, nhà nước nên tăng cường kiểm soát các tài khoản Facebook có kinh doanh online, các chủ website bán hàng, bắt buộc họ phải đưa ra các giấy tờ, chứng nhận chứng minh về nguồn gốc sản phẩm là tự sản xuất hay phân phối, nhập khẩu. Ngoài ra, việc thu thuế trên Facebook cũng nên tiến hành nhưng cần nghiên cứu kỹ nhằm tránh thu trùng, thu sai.
Nguồn: cafef.vn