Theo Luật Đầu tư, các bộ ngành, địa phương không được phép ban hành các điều kiện kinh doanh quy định tại các thông tư của cấp Bộ, và các điều kiện kinh doanh quy định tại các thông tư cấp Bộ sẽ hết hiệu lực từ 1/7/2016.
Vì vậy, phải xây dựng các Nghị định để thay thế các thông tư này. Mặt khác, nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện được xác định trong Luật nhưng lại hoàn toàn chưa có các quy định về điều kiện kinh doanh cụ thể, cũng cần xây dựng và trình Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ ngành phải khẩn trương xây dựng các nghị định về điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trình Chính phủ trước ngày 30/5/2016 để ban hành kịp thời điểm 1/7/2016 theo yêu cầu của Luật Đầu tư.
“Chạy nước rút”
Với 19 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý, Bộ Y tế cho biết đã xây dựng 12 Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho đến thời điểm này, Bộ đã trình Chính phủ 4 dự thảo Nghị định gồm: dự thảo về trang thiết bị y tế, dự thảo về hoạt động tiêm chủng, dự thảo về hóa chất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế, và dự thảo quy định điều kiện xét nghiệm HIV/AIDS.
Ông Quang cho biết trong 2 ngày tới, Bộ sẽ trình dự thảo Nghị định liên quan đến điều trị chất gây nghiện bằng thuốc thay thế methadone và dự thảo quy định về an toàn tiêm chủng.
Sau đó, Bộ sẽ tiếp tục trình Chính phủ 5 dự thảo Nghị định còn lại theo đúng tiến độ trước ngày 30/5 tới, gồm: dự thảo về mỹ phẩm, dự thảo về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo về ngân hàng mô, dự thảo các điều kiện liên quan đến việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Riêng dự thảo về điều kiện kinh doanh dược, do có một số yếu tố khách quan liên quan đến quá trình thẩm định, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị định, nên Bộ “còn đang e ngại về thời điểm trình dự thảo Nghị định này”, ông Quang nói.
Loại bỏ các thủ tục không cần thiết
Khi xây dựng các dự thảo nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, đại diện Bộ Y tế cho rằng Bộ cũng gặp khó khăn khách quan chung mà nhiều Bộ khác cũng gặp phải.
Ví dụ, có những điều kiện kinh doanh mới chưa bao giờ có trong hệ thống pháp luật (ví dụ điều kiện kinh doanh liên quan đến thử tương đương sinh học, vấn đề liên quan đến giải phẫu thẩm mỹ, trong khi điều kiện kinh doanh này không chỉ mỗi ngành y tế quản lý…); những vấn đề liên quan đến các quy chuẩn kỹ thuật hoặc những bảng tiêu chuẩn dài hàng trăm trang (như GMP, GDP… thuộc về lĩnh vực dược, thực phẩm, mỹ phẩm…) thì liệu có đưa vào dự thảo Nghị định thay thế được không…
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, sau khi thống nhất với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế đã có hướng để thực hiện và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự thảo nghị định này.
Một điểm quan trọng được cộng đồng doanh nghiệp và lãnh đạo Chính phủ rất quan tâm là làm sao để không nâng cấp một cách cơ học các điều kiện kinh doanh từ cấp thông tư lên cấp nghị định. Mà phải rà soát lại, loại bỏ những điều kiện nào không cần thiết, không hợp lý, gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã rà soát các thủ tục không cần thiết và loại bỏ các thủ tục này khi xây dựng các dự thảo Nghị định. Khi được Chính phủ thông qua, chắc chắn sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp hoạt động và kinh doanh”, ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.
Thúy Hà