Việc Công ty Cổ phần dược và vật tư thú y Hanvet sản xuất thành công loại vắc-xin phòng, chống dịch lợn tai xanh đã mở hướng cho các doanh nghiệp trong nước chủ động sản xuất các loại vắc- xin phòng bệnh cho động vật.
Dịch bệnh nguy hiểm
Bệnh tai xanh ở lợn còn được gọi là Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS), là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút gây ra. Trong các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc thì dịch lợn tai xanh thường được xem là loại bệnh gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngành chăn nuôi nước ta, bởi nó không chỉ gây chết hàng loạt mà còn làm giảm năng suất sinh sản ở lợn nái, cũng như gây chậm lớn với lợn con. Theo Cục Thú y, từ khi dịch tai xanh xuất hiện vào năm 2007 đến nay, cả nước đã có gần 884 nghìn con lợn bị chết và buộc phải tiêu hủy, trong đó chỉ riêng năm 2008 đã có hơn 300 nghìn con và năm 2010 là hơn 457 nghìn con lợn bị chết và tiêu hủy vì dịch bệnh này.
Để phòng, chống dịch lợn tai xanh, hằng năm, Nhà nước vẫn phải chi hàng chục tỷ đồng cho việc nhập khẩu loại vắc-xin này. Song, việc nhập khẩu lại gây ra những khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, bởi tính chủ động không cao, còn nhiều thủ tục rườm rà, do đó có lúc đã không kịp thời. Hơn nữa việc nhập khẩu vắc-xin lại từ các nước khác nhau, nên tính kháng nguyên cũng khác nhau, dẫn đến có trường hợp chủng kháng nguyên đó lại không phù hợp để kháng lại vi-rút tại Việt Nam hoặc ít tác dụng do biến thể của nó không tương đồng. Mặt khác, giá của các loại vắc-xin nhập khẩu thường rất cao.
Chủ động vắc-xin phòng, chống
Với mong muốn tạo ra vắc-xin có chất lượng tốt, giá thành hạ, nhất là có thể chủ động trong phòng, chống kịp thời bệnh tai xanh trên lợn, năm 2009, Công ty Cổ phần dược và vật tư thú y Hanvet (Công ty Hanvet) đã bắt tay vào nghiên cứu, thu thập mẫu bệnh phẩm từ các ổ dịch tai xanh tại các tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội. Sau khi phân lập và chọn lọc, đã lựa chọn được chủng vi-rút phân lập từ ổ dịch xã Chí Đạo (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), đồng thời Công ty đã chủ động hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học và sử dụng nhiều trang thiết bị của các viện nghiên cứu, với hình thức thuê, đặt hợp đồng đề tài, đặt hàng nghiên cứu để sản xuất ra loại vắc- xin này.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Nhà máy vắc-xin Hanvet Trần Thị Thu Hiền cho biết: Ròng rã suốt sáu năm qua, phòng thí nghiệm đã tiến hành quá trình giảm độc lực của giống vi-rút, tạo được chủng vi - rút PRRS nhược độc để sản xuất vắc-xin tai xanh. Vắc-xin được sản xuất bằng công nghệ sử dụng Macrocarrier trên hệ thống Tidecell. Đây là công nghệ nuôi cấy tế bào sản xuất vắc-xin tiên tiến nhất thế giới. Đến nay, vắc-xin tai xanh Hanvet do Công ty Hanvet sản xuất đã qua các bước đánh giá theo quy trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ kiểm nghiệm quốc gia vào năm 2013, đến khảo nghiệm quốc gia vào năm 2014 và đến năm 2015 chính thức được cấp phép sản xuất, lưu thông trên thị trường. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có vắc-xin tai xanh được sản xuất trong nước. Cùng thời điểm đó, dịch tai xanh lại bùng phát ở một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Nam Bộ và vắc-xin tai xanh Hanvet đã được đưa vào sử dụng ngay để phòng và dập tắt ổ dịch. Cho đến nay, loại vắc- xin này đã được sử dụng ở 50 tỉnh, thành phố trên cả nước và rất nhiều trang trại lớn đã sử dụng loại vắc-xin này. Sau khi sử dụng vắc-xin tai xanh Hanvet, tất cả gia súc đều an toàn, không mắc bệnh. Hiện, dịch lợn tai xanh đã được khống chế trên cả nước, song nguy cơ bùng phát vẫn rất cao do vi-rút vẫn còn tiềm ẩn, nhất là ở những ổ dịch cũ. Vì vậy, vắc-xin tai xanh Hanvet ra đời đã kịp thời góp phần tích cực cho công tác phòng bệnh và ngăn chặn dịch.
Theo TS Nguyễn Hữu Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần dược và vật tư thú y Hanvet: Sản xuất vắc-xin là một loại hình kỹ thuật cao, đòi hỏi nghiên cứu trong thời gian dài, và phải có trang thiết bị hiện đại, cũng như trình độ tay nghề của công nhân kỹ thuật. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp có thể sản xuất được nhiều loại vắc-xin thú y, như vắc-xin lở mồm long móng gia súc (loại vắc-xin vẫn phải nhập khẩu) nhưng phải có các điều kiện quan trọng như nguồn gien để tạo ra giống. Song, hiện nguồn gien đó lại nằm ở cơ quan nghiên cứu, quản lý nhà nước như Viện Thú y, Trung tâm chẩn đoán Thú y T.Ư, Trung tâm Thú y vùng VI… Do vậy, để tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất các loại vắc-xin phòng bệnh động vật, Nhà nước cần có cơ chế công nhận nguồn giống vi sinh vật, cho phép doanh nghiệp khai thác nguồn gien để sản xuất vắc-xin, nhằm hạn chế nhập khẩu và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi.
Việc sản xuất thành công vắc-xin tai xanh Hanvet được đánh giá là một bước tiến quan trọng của ngành sản xuất thuốc thú y, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu sản xuất các loại vắc-xin phòng, chống các bệnh nguy hiểm của động vật trước nguy cơ bùng phát các dịch bệnh mới, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Năm 2008, Hanvet là đơn vị đầu tiên ở phía bắc chính thức được cấp giấy chứng nhận GMP-WHO cho nhà máy sản xuất thuốc thú y. Hiện công ty có tám dây chuyền GMP đủ tiêu chuẩn, trong đó một dây chuyền về vắc-xin GMP. Trong năm 2016, công ty hoàn thành tiếp hai dây chuyền sản xuất vắc-xin và một dây chuyền sản xuất thuốc thú y theo tiêu chuẩn GMP.
Quang Minh