Mạng lưới cung ứng thuốc tại Việt Nam bao gồm 1.910 doanh nghiệp dược nội địa và 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Lần đầu tiên, giấy phép nhập khẩu dược phẩm được trao cho một tập đoàn đa quốc gia.
Sức ép gia tăng
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sanofi-Aventis Việt Nam (Sanofi Việt Nam) vừa trở thành tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đầu tiên tại Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu thuốc. “Trong thời gian qua, Sanofi đã cải tiến, tái cấu trúc ở tất cả các khâu vận chuyển - bảo quản - quản lý chất lượng - kinh doanh để sẵn sàng cho những thay đổi mới, trong đó có việc trở thành đơn vị nhập khẩu trực tiếp”, ông Haissam Chraiteh, Tổng Giám đốc Sanofi Đông Dương, giới thiệu.
Sanofi hiện có khoảng 4% thị phần tại Việt Nam, 3 nhà máy, cung ứng 80% sản lượng sản phẩm cho hoạt động kinh doanh của Sanofi tại Việt Nam. Việc công ty này được quyền nhập khẩu dược phẩm cho thấy độ mở cửa của thị trường trong lĩnh vực y tế, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết đi vào thực tiễn, gần đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Mặt khác, khi EVFTA có hiệu lực, đồng thời với việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh cho các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia, việc giảm thuế nhập khẩu đối với dược phẩm từ EU sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất dược phẩm trong nước. Chẳng hạn, ngay sau quyết định được nhập khẩu, Sanofi đã nhập lô vắc-xin viêm màng não mô cầu về Việt Nam.
Theo số liệu thống kê từ Công ty Nghiên cứu thị trường BMI, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2017 vào khoảng 4,7 tỉ USD. Đến năm 2021, quy mô thị trường được dự báo sẽ tăng lên 7,7 tỉ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam là thị trường hấp dẫn cho ngành dược, với mức chi tiêu cho dược phẩm tăng từ 38 USD/người năm 2015 lên 56 USD/người năm 2017. Mức chi tiêu cho y tế tại Việt Nam tương đương 7% GDP, trong đó 60% là chi phí dành cho dược phẩm.
Theo IMS Health, Việt Nam được xếp vào nhóm Pharmerging Markets - nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược phẩm cao nhất thế giới.
Các ngả đường dược ngoại
Hết năm 2018, chi nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam đạt 2,791 tỉ USD, giảm nhẹ so với mức chi nhập khẩu 2,819 của năm 2017. Tính cả quý I/2019, chi ngoại tệ nhập khẩu dược phẩm lên tới gần 600 triệu USD. Trong đó, riêng nửa đầu tháng 3, cả nước chi 125,3 triệu USD nhập khẩu dược phẩm. Chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam dự báo sẽ tăng lên 85USD vào năm 2020 và 163USD trong năm 2025 và đây là cơ sở cho dự báo, tốc độ chi ngoại tệ để nhập khẩu dược phẩm còn tăng mạnh trong những năm tới.
Việc không đủ tiềm lực tự phát minh thuốc mới và chỉ một số ít doanh nghiệp có công nghệ tiếp cận với các tiêu chuẩn cao EU - GMP hay PIC/S là nguyên nhân chính khiến kim ngạch nhập khẩu dược phẩm liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây. Gần 55% nhu cầu dược phẩm trong nước phải đáp ứng bằng nguồn nhập khẩu, trong đó phải kể đến một lượng lớn là các loại biệt dược - thuốc có bản quyền phát minh (patent drug), với giá đắt đỏ do không thể sản xuất trong nước.
Ngành dược của Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp dược trong nước phụ thuộc phần lớn nguyên liệu nhập khẩu, trong khi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao góp phần giảm biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất nhóm thuốc generic như Dược Hậu Giang, Dược Bình Định, Dược Cửu Long, Domesco...
Mặt khác, hiện nay doanh nghiệp dược Việt Nam chưa thúc đẩy mạnh sản phẩm mới, phân khúc chủ yếu vẫn là sản phẩm dược cho kênh OTC (thuốc không kê toa). Do đó, chi phí bán hàng tạo sức ép không nhỏ lên các doanh nghiệp này. Theo Công ty Chứng khoán BSC, cập nhật đến cuối năm 2018, tỉ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp lớn trong ngành trung bình giảm từ 1-2%.
Theo cam kết WTO, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam được phép nhập khẩu nhưng không được phép trực tiếp phân phối thuốc tại Việt Nam. Do đó, họ thường thông qua công ty Việt Nam có chức năng phân phối để bán sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp dược nội nhận được sự chú ý trong các thương vụ M&A của các nhà đầu tư nước ngoài như Taisho Pharmaceutical (Nhật) đầu tư vào Dược Hậu Giang; Abbott Laboratories (Chile) Holdco SpA - công ty con của Tập đoàn Abbott (Mỹ) đầu tư vào Domesco; Stada Service Holding B.V (Hà Lan), một công ty con của hãng dược phẩm Đức Stada, đầu tư vào Pymepharco.
Chẳng hạn, Taisho vừa hoàn tất thâu tóm Dược Hậu Giang với mục tiêu ngắn hạn là đưa hàng sản xuất từ Nhật sang Việt Nam thông qua kênh phân phối của Dược Hậu Giang. Bên cạnh đó là tận dụng nhà máy sản xuất, con người có sẵn của Dược Hậu Giang đưa thuốc nghiên cứu từ Nhật sang Việt Nam sản xuất. Duy nhất Việt Nam là quốc gia Taisho chưa thể chiếm thị phần như các quốc gia khác, do có sự góp mặt của các đối thủ lâu đời như Sanofi, GSK hay Novartis.
Hoặc Abbott mua Domesco, Glomed với mục tiêu thâm nhập thị trường thuốc generic Việt Nam, không những phục vụ trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Còn Tập đoàn DKSH vừa bắt tay với Công ty VinFa (thành viên của Vingroup) trong lĩnh vực nhập khẩu dược phẩm, vốn đang thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, các nhà sản xuất dược chất lượng cao với nguồn đầu vào từ đối tác nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng ít hơn và có cơ hội gia tăng thị phần. Như vậy, khoảng cách giữa các hãng dược phẩm nội ngoại sẽ càng cách xa và vấn đề cân bằng cạnh tranh toàn ngành lại càng khó giải quyết.
Nguồn: nhipcaudautu.vn