Trong năm 2018, các cơ quan thực thi pháp luật châu Âu đã thu giữ một lượng lớn thuốc tân dược buôn lậu trái phép trị giá hơn 165 triệu euro (khoảng 185 triệu USD).
Trong thông báo ngày 8/3, Cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) cho biết: trong một chiến dịch kéo dài 7 tháng với sự tham gia các cơ quan thực thi pháp luật 16 nước châu Âu, cảnh sát đã tiến hành 435 vụ bắt giữ và thu giữ 1,8 tấn thuốc tân dược. Europol - đóng vai trò hỗ trợ chiến dịch này - cho biết trong số các loại thuốc bị tịch thu có thuốc phiện (cũng dùng trong điều trị các bệnh tim mạch và ung thư) và các loại thuốc kích thích. Hơn một nửa số thuốc bị tịch thu là thuốc giả.
Cảnh sát tham gia chiến dịch cũng tịch thu các tài sản phạm pháp trị giá 3,2 triệu euro (3,6 triệu USD).
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm tội phạm sản xuất và buôn bán thuốc giả toàn cầu thu một khoản lợi trị giá khoảng 200 tỷ USD và trở thành một trong những ngành công nghiệp bất hợp pháp lớn nhất thế giới. Theo tính toán của các chuyên gia, một khoản đầu tư 1.000 USD có thể giúp những kẻ bán thuốc giả thu về 500.000 USD.
Thuốc giả được phân thành hai loại chính: thuốc không đạt chuẩn do lỗi sản xuất, bảo quản hoặc đã quá hạn sử dụng; thuốc được làm giả, có thể chứa các thành phần hoàn toàn khác so với thuốc thật hoặc thậm chí không có bất kỳ hoạt chất nào giúp chữa bệnh.
Bằng mắt thường, ngay cả những người có kiến thức về y dược đôi khi cũng khó phân biệt thuốc thật và thuốc giả bởi công nghệ làm nhái bao bì sản phẩm ngày càng tinh vi hơn. Ngoài nguy cơ gây tử vong, tạo phản ứng phụ, khiến bệnh kéo dài không dứt hoặc làm lây lan bệnh tật, thuốc kém chất lượng cũng làm tăng nguy cơ kháng thuốc, làm suy giảm khả năng chữa bệnh của các loại thuốc trong tương lai.
Nguồn: vtv.vn