Chứng nhận Thực hành tốt sản xuất Thực phẩm chức năng (GMP-HS) được coi là “tấm hộ chiếu” để Thực phẩm chức năng Việt Nam ra nhập thị trường ASEAN và vươn mình ra các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bộ tiêu chuẩn này vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng bàn.
Ngày 13.08.2015, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Góp ý Dự thảo Tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam phối hợp cùng Cục An toàn thực phẩm tổ chức.
Thực hành tốt sản xuất Thực phẩm chức năng (GMP-HS) là bàn đạp quan trọng giúp các sản phẩm TPCN do Việt Nam sản xuất tìm được thị trường quốc tế, đồng thời, cũng là một phần bắt buộc trong lộ trình Hòa hợp tiêu chuẩn về kỹ thuật trong khối ASEAN. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành quy định việc áp dụng GMP-HS phải trở thành yêu cầu bắt buộc.
Nhằm khắc phục tình trạng này, Hiệp hội TPCN đã kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất TPCN thực hiện lộ trình bắt buộc đạt chứng nhận GMP-HS từ năm 2015 – 2020, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu sang nước ngoài.
Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Hiệp hội Thực phẩm chức năng nhằm đưa ra bản dự thảo Tiêu chuẩn GMP-HS hoàn thiện, thích ứng với thực tế.
Yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn GMP-HS càng trở nên cấp thiết khi thị trường TPCN đang rơi vào tình trạng bát nháo, “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay. TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đánh giá về thực trạng này: “Không thể phủ nhận vai trò to lớn của TPCN trong việc nâng cao sức khỏe và phòng ngừa các bệnh mạn tính. Tuy nhiên nếu không có chế tài xử lý tốt, thì từ tôn vinh TPCN, ghi nhận vai trò của nó, người ta sẽ quay lưng lại với TPCN. Đây là mối nguy rất lớn, nhất là trong thời gian gần đây, chúng ta đã quá để xảy ra tình trạng thần thánh hóa TPCN khiến người tiêu dùng khi kỳ vọng vào công dụng nhưng không được thỏa mãn sẽ nảy sinh sự bài trừ và hoài nghi.”
Các doanh nghiệp TPCN sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi thay đổi quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GMP-HS
Việc áp dụng tiêu chuẩn GMP-HS được đánh giá là “bộ lọc” hữu hiệu giúp phân loại các doanh nghiệp TPCN, khai tử các đơn vị yếu kém, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các đơn vị đạt tiêu chuẩn. Trong bài tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam khẳng định: “GMP sẽ là cơ sở để loại bỏ sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, giảm thiểu lượng hàng lậu vào Việt Nam và góp phần xây dựng TPCN trở thành ngành kinh tế bền vững, lành mạnh, vì sức khỏe của người tiêu dùng.
Đặc biệt, để tránh lặp lại kịch bản cơ quan quản lý “vừa đá bóng vừa thổi còi”, Viện thực phẩm chức năng đã thành lập Công ty TNHH MTV Chứng nhận Chất lượng AsiaCert với vai trò là tổ chức độc lập, được trao quyền đánh giá, chứng nhận “Thực hành tốt sản xuất Thực phẩm chức năng GMP-HS” cho các Nhà máy và tổ chức đánh giá hiệu quả của TPCN. Chứng nhận GMP-HS có thời hạn 3 năm, mỗi năm giám sát 1 lần. Như vậy, doanh nghiệp đã được chứng nhận GMP TPCN nhưng trong quá trình hoạt động không tuân theo những nguyên tắc chung, những quy định, hướng dẫn, các nội dung cơ bản về điều kiện sản xuất; áp dụng cho các cơ sở sản xuất, gia công, đóng gói thực phẩm chức năng,… sẽ bị tước chứng nhận khi bị phát hiện sai phạm.
Đến thời điểm này, Công ty AsiaCert đã đánh giá, chứng nhận GMP-HS cho 4 Nhà máy theo tiêu chuẩn GMP-HS của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam và của hòa hợp ASEAN và triển khai đánh giá hiệu quả 7 sản phẩm TPCN cho các doanh nghiệp.
Theo lộ trình, sau khi giới thiệu tài liệu GMP Thực phẩm chức năng và xin ý kiến các bộ ban ngành, doanh nghiệp và địa phương, Ban soạn thảo sẽ giới thiệu tài liệu hướng dẫn thực phẩm chức năng. Nếu được sau khi tham khảo cố gắng áp dụng năm 2018.
Theo Báo Công Luận