Định hướng thứ ba của Chính phủ trong phát triển ngành dược liệu Việt Nam có khuyến khích khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT), kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại. Tuy nhiên, với nhiều thách thức như hiện tại, những doanh nghiệp (DN) đi theo định hướng sử dụng cây thuốc nam sẽ còn gặp khó.
Khó từ đầu vào
Ghi nhận tại vòng bán kết miền bắc Ý tưởng Khởi nghiệp lần ba năm 2017 vừa được tổ chức vào tháng 10, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) tổ chức, có 4/15 dự án đã tạo ra sản phẩm từ dược liệu, hai dự án khác có thể tạo nên sản phẩm từ thảo dược…
Nhưng khi ban giám khảo hỏi đến giấy phép, chất lượng, quy chuẩn thì không dự án nào đạt đầy đủ. Số tiền để quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng nhà xưởng hợp quy, thuê nhân công có trình độ, xin giấy phép… là bằng, thậm chí gấp vài lần một startup thông thường, và đặc biệt khó khăn với những tỉnh miền núi. Và ngay trong cuộc thi, PGS, TS Trần Văn Ơn, Phó Giám đốc Đại học (ĐH) Dược Hà Nội nhiều lần phải nhắc thí sinh: Khi các em làm nhỏ thì không sao, nhưng khi phát triển kinh doanh lớn hơn thì rủi ro nhiều lắm! Vì không đạt chuẩn các em có thể bị thu hồi hàng, phạt tiền, ngừng sản xuất.
Một số ý kiến chuyên gia đặt vấn đề đáng chú ý: Có lẽ chúng ta đã quên rằng một bài thuốc YHCT được lưu giữ, chính là vì đã trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng lâu dài. Nhiều ông/bà lang rất quen thuộc với các loại cây thuốc trong rừng và sử dụng một cách chính xác nhờ vào việc học qua kinh nghiệm được truyền thụ lại từ các thế hệ trước với hàng trăm năm quan sát các động vật sử dụng cây thuốc và áp dụng vào thực tế đời sống. Tuy nhiên, đứng trước những quy định rất chặt chẽ về kỹ thuật, kiểm định nguyên vật liệu… trong sản xuất dược liệu thì dược liệu cổ truyền còn gặp nhiều trở ngại, không dễ được “thông cảm”.
Cho đến đầu ra
Hiện nay đã có một số chính sách tích cực khuyến khích vùng dược liệu như giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1,5% trong chính sách phát triển công nghệ cao, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành dược… Thế nhưng, chính sách cho sản phẩm và đầu ra có vẻ chưa theo kịp chính sách phát triển đầu vào. Một bên đã mở van, một bên lại khóa van thì ở giữa sẽ úng ngập, bế tắc sau một vài mùa vụ chỉ chú trọng đến vùng trồng nguyên liệu. Nguy cơ này chỉ được giải tỏa nếu như việc sử dụng thảo dược trong bệnh viện nói riêng, trong hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh nói chung được khuyến khích kịp thời.
Tuy nhiên, như nhận xét của ThS Nguyễn Đình Liên, Bộ môn ngoại Trường ĐH Y Hà Nội, kiêm bác sĩ Khoa ngoại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, sản phẩm từ thuốc nam gặp khó khăn do bị đánh đồng là sản phẩm chức năng nên bị hạn chế kê đơn, khó tiếp cận người bệnh. Có lẽ các nhà làm chính sách y tế cần phân biệt rạch ròi đâu là thuốc YHCT, đâu là thực phẩm chức năng, đâu là sản phẩm hỗ trợ sức khỏe… để không làm giảm giá trị của YHCT.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần OnePharm Đàm Ngọc Hiệp, Chính phủ và Bộ Y tế đã có một số ưu tiên cho sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược thiên nhiên như việc giảm thời gian kiểm định và thời gian cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm… Nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục và có thể giải quyết việc này trong thời gian ngắn. Thí dụ như DN cần có được sự đồng hành của Hội YHCT trong việc nêu cao uy tín, thương hiệu các sản phẩm thảo dược, cần chính sách ưu tiên cho các vùng trồng và chăn nuôi thảo dược, cần chính quyền tích cực ra tay chống hàng giả, hàng nhái và đặc biệt chống vi phạm bản quyền về công thức sản xuất.
Ông Hiệp cũng khẳng định: Các nhà sản xuất Việt tự tin về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, sẵn sàng đáp ứng điều kiện quốc tế, nhưng để vươn ra nước ngoài, thì cái lo nhất lại chính là… thủ tục và giấy phép của Việt Nam.
Nguồn: nhandan.com.vn