Bên trong nghị trường, Luật Dược (sửa đổi) được thông qua, và bên ngoài thị trường, người dân ngóng chờ cơ hội được sử dụng thuốc bảo đảm, đúng giá. Sẽ cần có thời gian để dự án luật đi vào đời sống, đó là cái lý của nhiều cơ quan thực thi pháp luật. Nhưng, kiểm soát để thuốc cứu người không trở thành độc dược, là việc không được phép chờ đợi hơn nữa.
Mới chạm đến bề nổi của tảng băng
Thật dễ dàng để thấy sự lộn xộn tại một số chợ tân dược lớn của Hà Nội và khu vực phía bắc như ở trung tâm trên phố Ngọc Khánh, và đặc biệt là Trung tâm phân phối dược phẩm Hapulico ở phố Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội). Trong vai khách hàng, chúng tôi hỏi thuốc gì cũng có, kể cả những thuốc phải mua theo đơn, nhưng hỏi đến hóa đơn chứng từ hợp lệ thì không. Mỗi ngày, hàng trăm xe ô-tô vận chuyển, giao dịch những đơn hàng lớn, và cả một đội ngũ đông đảo xe máy trực chờ để tỏa đi bất cứ khi nào có đặt mua.
Những chợ thuốc dường như được vận hành với những quy định riêng, mặc định. Thấy tôi có ý tìm hiểu khu chợ, và có cử chỉ như quay phim, chụp ảnh, ngay lập tức có bảo vệ bám theo, yêu cầu xóa ảnh. Tôi dẫn ra cái lý, đây là chốn mua bán công khai, không ghi cấm quay phim, chụp ảnh, thì anh ta cưỡng ép phải xóa. Khi tôi nhanh chân hòa vào dòng người đông đúc mua bán, anh ta huýt sáo xua đội bảo vệ đuổi theo. Để thoát khỏi khu vực đó, tôi phải tìm cách di chuyển đến góc khuất ở tầng ba để trốn, chờ đợi một thời gian lâu sau mới tìm đường ra. Sự truy gắt này của đội bảo vệ khiến cho người ta không thể không đặt câu hỏi về sự minh bạch trong kinh doanh tại đây. Bản thân người viết cũng đã nhiều năm đeo bám vấn đề nhức nhối buôn lậu qua đường biên mậu ở Lạng Sơn, từng chứng kiến, trong nhiều gùi hàng có các loại tân dược. Các đối tượng vận chuyển cũng cấm chụp ảnh, truy đuổi và sẵn sàng tấn công phóng viên, thậm chí lực lượng chức năng. Đêm ngày hàng được gom về các mối, rồi tuồn sâu vào nội địa, phân phối cho các nhà thuốc, chợ thuốc.
Cho dù thị trường vẫn được vận hành dưới sự quản lý của nhà nước, thể hiện qua các đợt thanh tra, kiểm tra của các đơn vị chức năng, lần nào cũng phát hiện sai phạm nghiêm trọng. Nhưng điều đáng quan ngại chính là, không có gì bảo đảm được nguồn thuốc lậu phong phú không liên tục được tuồn vào các chợ đầu mối như Hapulico và thậm chí đến cả những nhà thuốc nhỏ lẻ. Không kiểm soát được thuốc lậu đã đành, thuốc giả, thuốc kém chất lượng cũng chung tình trạng. Vậy nên, chỉ có người sử dụng lãnh đủ hậu quả khôn lường. Trung tá Kiều Hữu Việt, quyền Đội trưởng đội 8, phòng PC 46 (Công an TP Hà Nội) nhấn mạnh: “Một khối lượng thuốc khổng lồ thẩm lậu từ Trung Quốc vào nước ta. Nhưng khó khăn là người bán thuốc không biết, hoặc vờ như không biết. Việc quản lý chất lượng thuốc cũng vô cùng phức tạp”.
Nhận thấy trách nhiệm nặng nề trong quản lý hàng dược nhập lậu, ông Chu Xuân Kiên, Phó Trưởng ban Thường trực 389 Hà Nội cho hay, trước tình hình diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng cố gắng làm tốt công tác điều tra, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng, giữa Hà Nội với các tỉnh biên giới để kiểm soát chặt hơn thị trường tân dược, bảo vệ sự lành mạnh của thị trường.
Quả vậy, có không ít cuộc ra quân của lực lượng chức năng thành công góp phần chặt đứt được nhiều đường dây buôn bán thuốc lậu, phát hiện những công ty chuyên sản xuất thuốc giả... Một trong những điển hình là đầu năm 2015, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện Trần Đăng Trường - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ngân Sơn Thịnh (trụ sở quận 12) cầm túi ni-lông, vào các quầy hàng của Trung tâm dược Codupha (quận 10) chào bán tân dược. Kiểm tra nhanh, khám xét tại nhà riêng, công an khám phá ra cả một “dự án” lớn về sản xuất, kinh doanh thuốc giả của Trường và vợ y. Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh xử Trường bốn năm tù giam, Huyền 26 tháng tù cho hưởng án treo do đang nuôi con nhỏ. Song, đầu năm 2016, có kiến nghị tăng mức án cho cả hai vợ chồng Trường.
Hay ở Hà Nội, đầu năm 2016, lực lượng chức năng đã phối hợp, đồng loạt kiểm tra ba cửa hàng thuốc (số 11A An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ; số 20 Nguyễn Biểu, phường Quán Thánh và 129 Phúc Xá, quận Ba Đình) của Trần Thị Ánh Tuyết, phát hiện hơn 500 nghìn đơn vị thuốc hết hạn sử dụng được tẩy xóa để tiếp tục bán cho người bệnh…
Thế nhưng những nỗ lực của các cơ quan chức năng mới chạm được đến “bề nổi của tảng băng chìm”.
Thuốc đắng phải đủ liều
Bác sĩ, chuyên gia phẫu thuật Võ Xuân Sơn đã thật có lý khi cho rằng, bán thuốc giả, hay đã hết hạn sử dụng là tội ác! Kẻ hám lợi đã bất chấp mọi cảnh báo, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để làm giàu trên nỗi đau khổ của người bệnh. “Phải trị bệnh tham đó”, bác sĩ Sơn mong muốn.
Ở góc độ của đơn vị chịu trách nhiệm, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) lý giải, sở dĩ thuốc giả, kém chất lượng bùng phát là do nhu cầu sử dụng thuốc giá rẻ!? Trong khi đó, việc kinh doanh thuốc loại này có mức sinh lời từ 200 đến 450 lần, nên nhiều cửa hàng bán lẻ sẵn sàng phạm pháp. Những đường dây hoạt động tinh vi thao túng giá thuốc và tạo những cơn sóng lớn trên thị trường. Việc chống sản xuất và buôn bán tân dược giả được cơ cấu bởi nhiều cơ quan quản lý như: hải quan, công an, cơ quan quản lý thị trường, Bộ Y tế… nhưng hiệu quả lại không được cao bởi vẫn còn tồn tại kẽ hở trong quản lý và phối hợp. Đơn cử như công tác thu hồi thuốc giả, thuốc hết hạn sử dụng vẫn mang tính hình thức, nên phần lớn là bị tẩu tán trước khi thu hồi. Quản lý nhà nước đối với thị trường dược còn tồn tại bất cập có một phần do việc thực thi Luật Dược 2005 gặp khó khăn bởi hệ thống các văn bản dưới Luật chậm được Bộ Y tế ban hành.
Vậy nên, với Luật Dược (sửa đổi), câu hỏi lớn đặt ra, những chậm trễ nói trên có lặp lại trong quá trình đưa luật vào đời sống? Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Bộ sẽ khắc phục, hạn chế được nhiều bất cập trong thực thi luật cũ và có những thích ứng với tình hình mới nhằm bảo đảm chất lượng và giá cả của thuốc đến tay người dân.
Song, câu chuyện không chỉ dừng ở đó. Không ít chuyên gia còn chỉ ra, với một thị trường dược đang không lành mạnh, cả khâu sản xuất và kinh doanh thì Luật Dược (sửa đổi) phải đề cập đến định hướng quy hoạch lại mạng lưới lưu thông, phân phối dược. Một số còn nêu quan điểm, Bộ Y tế cần rà soát danh sách các nguyên liệu, thuốc không bị cấm trong sử dụng sản xuất dược nhưng có thể gây hại nếu được sử dụng trong các lĩnh vực khác, để từ đó có cách quản lý thích ứng như đưa vào dạng kiểm soát đặc biệt. Nguyên liệu salbutamol là một thí dụ đang nóng hổi. Sau một thời gian dài dư luận lên tiếng, Bộ Y tế đã sửa trong Luật Dược (sửa đổi), quy định đưa salbutamol vào danh mục thuốc cần kiểm soát đặc biệt.
Khi Luật Dược (sửa đổi) được thông qua và đi vào cuộc sống, bộ máy quản lý được trao thêm công cụ, sức mạnh thực thi nhiệm vụ. Nhưng tất cả sẽ chỉ dừng ở những nỗ lực “đuổi- bắt” những hành vi vi phạm nếu thiếu đi một quy hoạch đúng đắn cho thị trường và quan trọng hơn nữa là sự nâng cao ý thức của mỗi thành viên tham gia vào thị trường, dù ở bất cứ góc độ nào.
VĂN HỌC - PHÚ LỮ