Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) nếu được Quốc Hội khóa XIII (kỳ họp thứ 11) thông qua cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới sẽ hứa hẹn mở ra một cơ hội “vàng” cho sự phát triển dược liệu, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền Việt Nam.
Với quy định mới trong Dự thảo Luật Dược, các loại dược liệu, thuốc cổ truyền sẽ được trả lại đúng giá trị thực
Luật Dược năm 2005 qua 10 năm đi vào thực tế đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc đảm bảo cung ứng đủ thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, những kết quả mà ngành công nghiệp dược trong nước đạt được chưa thực sự tương xứng với tiềm năng thế mạnh dược liệu nước nhà.
Tình trạng dược liệu của nước ta được các thương lái nước ngoài thu mua, mang về nước chiết xuất hết hoạt chất, rồi lại được mang bán trở lại Việt Nam. Hay tình trạng dược liệu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ được “tuồn” vào nước ta qua các cửa khẩu biên giới (con đường tiểu ngạch), sau đó được bán rộng rãi tại các chợ đầu mối với giá rất rẻ. Điều này đã dẫn tới tình trạng dược liệu không đảm bảo chất lượng, các doanh nghiệp sử dụng dược liệu nuôi trồng, thu hái trong nước để kinh doanh, sản xuất thuốc khó cạnh tranh được về giá.
Theo ý kiến của các chuyên gia, dự thảo Luật Dược (sửa đổi) đã đưa ra một loạt các chính sách, giải pháp nhằm khôi phục lại vị thế cho dược liệu, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền Việt Nam. Trước hết đó là giải pháp kết hợp đầu tư ngân sách nhà nước với huy động các nguồn lực khác cho phát triển công nghiệp nuôi trồng, sản xuất dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
Dự thảo cũng nêu rõ, ưu tiên trong đấu thầu mua thuốc từ nguồn ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế đối với dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước, dược liệu tươi, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được sản xuất trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp Bộ và cấp tỉnh. Đối với dược liệu nuôi trồng, thu hái, khai thác trong nước đảm bảo về chất lượng, số lượng và có giá cả hợp lý, sẽ không chào thầu dược liệu nhập khẩu.
Đưa nội dung phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; phát triển nguồn dược liệu và các vùng nuôi trồng dược liệu; bảo tồn nguồn gen và phát triển các loài dược liệu, quý, hiếm, đặc hữu vào trở thành lĩnh vực ưu tiên trong phát triển công nghiệp Dược, thay vì chú trọng, tập trung vào sản xuất nguyên liệu hóa dược như trước đây, nhằm giúp tận dụng được tối đa thế mạnh từ nguồn dược liệu trong nước, đồng thời phù hợp đối với năng lực thực tại của ngành Công nghiệp dược nước nhà vốn không mạnh về công nghiệp bào chế nguyên liệu hóa dược.
Trong vấn đề quản lý dược liệu, Dự thảo Luật quy định các loại dược liệu bị chiết hoạt chất, dược liệu bị cố ý sử dụng không đúng loài, không đúng bộ phận, dược bị trộn lẫn hoặc bị thay thế bởi các thành phần khác, dược liệu mạo danh nguồn gốc, xuất xứ là dược liệu giả nhằm có chế tài xử lý thích đáng, giúp giải quyết được một trong những bất cập lớn nhất hiện nay liên quan đến chất lượng dược liệu. Đồng thời, Dự thảo Luật quy định nghiêm cấm xuất khẩu các loài dược liệu thuộc Danh mục các loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu phải kiểm soát khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để tránh tình trạng các thương lái nước ngoài cố tình thu mua cạn kiệt các loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu của nước ta…
Luật Dược (sửa đổi) cũng dành một phần lớn nội dung nhằm khuyến khích phát triển thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong nước, chẳng hạn như: Hỗ trợ, tạo điều kiện phát hiện, thử lâm sàng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có liên quan, đăng ký lưu hành và kế thừa đối với các thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu có đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia, cấp Bộ hoặc cấp tỉnh đã được nghiệm thu.
Có chính sách bảo vệ bí mật trong bào chế, chế biến và dữ liệu thử nghiệm lâm sàng thuốc cổ truyền; đãi ngộ hợp lý đối với người hiến tặng cho Nhà nước bài thuốc cổ truyền quý; tạo điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề y, dược cổ truyền cho người sở hữu bài thuốc gia truyền được Bộ Y tế công nhận. Đối với các thuốc cổ truyền thuộc danh mục bí mật của Nhà nước thì được phép không thể hiện một số thành phần dược liệu và phải có dòng chữ “Công thức sản xuất thuốc là bí mật nhà nước”; Đồng thời, ưu đãi về điều kiện kinh doanh, thời hạn đăng ký lưu hành và ưu đãi về thử trên lâm sàng đối với thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền…
Dự thảo Luật cũng quy định nghiêm cấm sản xuất, pha chế, bán thuốc cổ truyền có kết hợp với hoạt chất hóa dược khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm ngăn chặn tình trạng nhiều “lang băm” đã núp bóng các bài thuốc đông y, bài thuốc gia truyền rồi trộn thuốc tân dược vào để bán cho người dân mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, dẫn đến “tiền mất tật mang”.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp