Ngoài việc làm gia vị cho thực phẩm, hồ tiêu còn là mặt hàng được các ngành công nghiệp y dược, mỹ phẩm… quan tâm. Do đó, nếu được quan tâm đầu tư, nghiên cứu được các sản phẩm chế biến sâu như dầu tiêu, các hoạt chất… sản phẩm hồ tiêu sẽ mang về giá trị gia tăng lớn gấp nhiều lần so với hiện nay.
Chinh phục các thị trường khó tính
Nếu như năm 2001, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam mới chỉ đạt 50.000 tấn với khoảng 90 triệu USD thì đến nay, lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã vượt 200.000 tấn với giá trị lên tới 1 tỷ USD và chiếm trên 60% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu trên toàn thế giới. Hồ tiêu Việt Nam đã có mặt tại hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Với nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu toàn cầu được dự báo tăng khoảng 2%/năm, ngành hồ tiêu đã được Chính phủ hoạch định là một trong 10 ngành nông sản có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam.
Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho biết, trong vụ mùa 2018/2019, Việt Nam có khoảng 100.000 ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha, tương đương sản lượng khoảng 247.000 ha. Đáng chú ý, trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất hồ tiêu lại có chiều hướng tăng lên. Theo bà Oanh, trong năm 2018, các chi phí về vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã tăng giá 15-25% so với năm 2017; giá điện nước, công thu hoạch cũng tăng khoảng 10%. “Như vậy, chi phí sản xuất hồ tiêu năm 2018 tăng ít nhất 10% so với năm 2017. Trong khi giá bán hồ tiêu lại giảm trên 30%, gây khó khăn rất lớn cho người trồng tiêu” – bà Oanh nói.
Điểm tích cực là thời gian gần đây, nông dân trồng hồ tiêu đã tuân thủ tốt hơn các quy trình canh tác, sản xuất để có nguồn nguyên liệu sạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, năm 2018, Việt Nam đã giảm 30-50% lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây trồng, đồng thời bổ sung nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, qua đó giúp chất lượng hạt tiêu tăng cao hơn, môi trường, hệ sinh thái cũng an toàn hơn, đa dạng sinh học được cải thiện hơn. Các địa phương tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân canh tác theo tiêu chuẩn GAP, quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng cách hơn….
Trong khâu chế biến, hiện cũng đã có 20 DN lớn đầu tư nhà máy chế biến riêng để xử lý hạt tiêu theo tiêu chuẩn công nghệ cao với công suất khoảng 60.000 – 70.000 tấn/năm. Phần lớn các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn GMP và nhiều tiêu chuẩn quốc tế quy định đối với nhà máy chế biến thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm hồ tiêu Việt Nam cũng đang được đánh giá cao tại thị trường thế giới, đặc biệt các thị trường có hàng rào kỹ thuật cao. Hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong 3 năm qua đều tăng, từ hơn 36.000 tấn năm 2016 lên hơn 38.000 tấn năm 2018. Tương tự, thị trường Canada tăng từ hơn 1.500 tấn lên trên 2.400 tấn; thị trường Ireland cũng tăng mạnh từ 129 tấn lên trên 3.600 tấn... Theo bà Oanh, xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng như Mỹ, Đức, Nhật, Anh, Úc… đều tăng trong 3 năm qua.
Huy động nguồn lực cho chế biến sâu
Dù được đón nhận tại các thị trường khó tính, song giá trị thu về từ sản phẩm hồ tiêu vẫn còn ở mức thấp so với tiềm năng. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, hồ tiêu được coi là một loại gia vị đặc sản, dù có quy mô canh tác nhỏ nhưng giá trị rất lớn. Do đó, việc 3 năm liền mặt hàng này rơi vào tình trạng rớt giá là điều hết sức phi lý. Đặc biệt là khi việc quản trị ngành hồ tiêu rất dễ dàng bởi tổng diện tích trên toàn thế giới chỉ có 460.000 ha với tổng sản lượng chưa tới nửa triệu tấn, ít hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác như lúa, cây lương thực… với hàng trăm triệu ha, hàng trăm triệu hộ nông dân.
“Vậy mà chỉ trong vòng 5 năm, diện tích hồ tiêu tăng gấp 3 lần, giá hồ tiêu rớt mạnh từ 200.000 đồng/kg xuống chỉ còn 58.000 đồng/kg. Tất cả những điều này bắt nguồn từ tình trạng quản trị theo kiểu mỗi người một phách của các thành phần trong chuỗi giá trị hồ tiêu, trong đó có cả vai trò quản lý của Nhà nước” – ông Cường nói. Theo đó, những vấn đề này nếu không nhanh chóng được tháo gỡ sẽ không chỉ làm tụt hậu mà còn có nguy cơ phá vỡ cả ngành hàng.
Để làm được điều đó thì cần tập trung tái cơ cấu ngay ngành hồ tiêu. Trong đó, phải kiên quyết kéo giảm diện tích trồng hồ tiêu, tập trung giảm ở những nơi không phù hợp, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết. Cùng với đó, phải tập trung sản xuất theo hướng đặt chất lượng lên hàng đầu. Thời gian tới, Việt Nam sẽ có một bộ phận phát triển nông nghiệp hữu cơ. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định về nông nghiệp hữu cơ và thời gian tới sẽ ban hành luật Nông nghiệp hữu cơ để tập trung nâng cao chất lượng nông sản.
Đặc biệt, ông Cường nhấn mạnh việc huy động các nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu sâu trong ngành hồ tiêu. “Hạt tiêu không chỉ làm gia vị mà còn có thể làm nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm nước hoa, dầu tiêu và cả các chế phẩm, hoạt chất để sản xuất thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp…” – ông Cường cho hay. Do đó, các DN cần đẩy mạnh đầu tư để cho ra các sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng, thương hiệu cho hồ tiêu Việt Nam.
Nguồn: cafef.vn