Cả thế giới đang tập trung vào xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, tuy nhiên để hiện thực hóa trong ứng dụng và quản trị dựa trên nền tảng 4.0 này thì doanh nghiệp (DN) phải có lộ trình khả thi. Điều này càng cần thiết với những DN trong lĩnh vực đặc thù như dược phẩm và chăm sóc sức khỏe.
Kết nối con người - quy trình - hệ thống
Trào lưu công nghệ mới đang khiến các ngành công nghiệp dịch chuyển, buộc DN cũng phải dịch chuyển dựa trên nền tảng công nghệ và phải nhận thức sâu sắc rằng công nghệ sẽ tác động mạnh đến các xu hướng ngành, xu hướng cạnh tranh và phát triển bền vững. Với khoa học quản trị DN nói riêng, không thể đi tắt đón đầu mà buộc phải theo lộ trình, nâng tầm để ổn định nền tảng lõi trước khi song hành cùng các nền tảng ứng dụng công nghệ cao hơn phù hợp với xu thế công nghiệp 4.0.
Ngành công nghiệp dược và chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu đang hướng tới mô hình là nơi bệnh nhân trở nên chủ động hơn và chuyên chú vào chăm sóc sức khỏe. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đơn vị phân phối và nhà sản xuất đang tìm cách cộng tác trên nền khoa học y tế kỹ thuật số để giảm chi phí, đồng thời cải thiện chất lượng chăm sóc và sự an toàn của bệnh nhân. Như vậy, các DN ngành dược phải nhận thức rằng, để công ty phát triển và tăng trưởng bền vững thì chiến lược công nghệ phải được hợp nhất với chiến lược kinh doanh.
Ba lộ trình cơ bản làm tiền đề khả thi trong ứng dụng và quản trị DN dựa trên nền tảng 4.0 gồm số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ (Digital Transformation), thừa hưởng kết quả số liệu chuẩn, đúng, tin tưởng để bước đến giai đoạn phân tích dữ liệu (Data Analytics) và cuối cùng là hướng đến môi trường internet kết nối mọi thiết bị (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI)...
Chuyển đổi kỹ thuật số trong DN vì thế phải là lời cam kết từ ban lãnh đạo để đưa công ty đạt được các chuẩn mực trong quản trị và vận hành, cam kết chất lượng sản phẩm đầu ra và tuân thủ các chuẩn mực thông qua công nghệ và sự kết nối một cách tự nhiên từ ba yếu tố: con người - quy trình - hệ thống.
Đối với đặc thù ngành công nghiệp dược, DN ngày càng đối diện với nhiều thách thức mới về quản trị. Thách thức bên ngoài đến từ các đối thủ cạnh tranh, các nhà sản xuất thuốc, các tổ chức chăm sóc sức khỏe, tổ chức y tế... Thách thức bên trong bao gồm các hoạt động nhằm tối ưu hóa chi phí bán hàng, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, quản lý sản xuất và chất lượng toàn diện. Và thách thức lớn nhất đến từ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt bắt buộc phải tuân thủ tuyệt đối trong ngành dược: GMP, GSP, GLP, GDP, USFDA 21 CFR, GAMP 5...
Cần điển cứu thành công
Cũng như bất kỳ mô hình DN nào khác, khi phát triển lớn mạnh, mở rộng nhà máy sản xuất và chi nhánh bán hàng, DN dược cũng cần đến một hệ thống quản trị chuyên nghiệp để quản lý toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giải quyết các thách thức nêu trên một cách thỏa đáng.
Tuy nhiên, dược là ngành công nghiệp đặc thù đòi hỏi những kiến thức đặc thù. Giải pháp quản trị tổng thể nguồn lực DN (ERP) của SAP triển khai cho 19 trong tổng số 20 DN dược lớn nhất thế giới ngày nay được xem như một điển hình trải nghiệm thành công cho các DN trong ngành.
Không đơn thuần là phần mềm, SAP đến với ngành dược như một giải pháp chiến lược và giải quyết được các yêu cầu và đặc thù chuyên ngành dựa trên bộ giải pháp được trải nghiệm thành công không chỉ trên thế giới mà còn chính tại Việt Nam. Ngày nay, phương pháp triển khai SAP Activate được SAP xây dựng giúp cho đội dự án rút ngắn thời gian triển khai rất nhiều, giảm chi phí, giảm thiểu rủi ro và sử dụng hiệu quả nguồn lực. Cụ thể:
* Quản trị nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới: Một quy trình nghiên cứu sản xuất thử một sản phẩm mới của ngành dược kéo dài từ 2 - 3 năm, tương đương với một "dự án nghiên cứu phát triển sản phẩm mới". Vì thế, giải pháp phải đáp ứng được với quy trình thực hiện được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, chi phí, con người và quy trình công nghệ.
Có nhiều phòng ban, bộ phận cùng tham gia xuyên suốt vào quy trình: ban lãnh đạo/giám đốc sản phẩm, phòng marketing, phòng nghiên cứu, dược sĩ, phòng kế hoạch/mua hàng cho đến nhân viên sản xuất thử, phòng kiểm nghiệm, tổ kiểm nghiệm, QA...
* Quản trị chất lượng: Giải pháp chú trọng vào quản trị vật tư, nguyên vật liệu mua vào, từ lấy mẫu kiểm tra, kiểm tra theo COA của nhà sản xuất đến kiểm mẫu định kỳ. Vật tư trước khi xuất cho sản xuất và ghi nhận lại kết quả API để phục vụ tính toán phối trộn theo định mức. Trong quá trình sản xuất, quy định ở những bước nào cần phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng và kết quả được trả tự động vào hồ sơ lô sản phẩm (PI Sheet).
Khi sản phẩm hoàn thành, ghi nhận chất lượng và cấp COA cho thành phẩm để xuất bán. Chú trọng quá trình nghiên cứu độ ổn định sản phẩm, các thông tin phản hồi, khiếu nại của khách hàng; truy vết chất lượng từ đầu vào đến đầu ra và ngược lại. Chú trọng các yếu tố khác (thẩm định), từ thiết bị sản xuất, môi trường, nhà xưởng cho đến phương pháp phân tích, phương pháp sản xuất, nhà sản xuất, con người...
* Quản trị sản xuất. Giúp quản trị quy trình lập kế hoạch dài hạn hay chi tiết theo tháng, tuần, ngày, ca sản xuất..., trên cơ sở đó hoạch định nhu cầu mua vật tư cho kế hoạch sản xuất. Chú trọng kiểm soát các chuẩn mực trong công thức sản phẩm; kiểm soát các công đoạn sản xuất và chuẩn hóa các hướng dẫn sản xuất (PI Sheet). Quản lý hoạt chất API theo lô, đảm bảo phối trộn chuẩn xác, đồng thời kiểm soát tiêu hao trong quá trình đó, chuẩn hóa thông tin và cập nhật hồ sơ lô theo thời gian thực, kiểm soát sản lượng và nguồn lực sử dụng trong quá trình sản xuất.
* Quản trị các nghiệp vụ hỗ trợ. Với đầy đủ các hệ quản trị liên quan, từ quản trị tài chính, quản trị giá thành - phân tích lãi lỗ, kinh doanh và phân phối, đầu vào nguyên liệu cho đến quản trị kho theo chuẩn GMP, máy móc thiết bị, hoạch định kế hoạch - ngân sách...
Kết quả đạt được khi ứng dụng giải pháp SAP ERP giúp DN ngành dược có hệ thống tích hợp chặt chẽ các quy trình nhằm nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên, cải thiện mức độ hài lòng của khách hàng và hệ thống báo cáo quản trị thông minh hỗ trợ lãnh đạo đưa ra các quyết định nhanh chóng trong môi trường nhiều thay đổi và cạnh tranh.
Hệ thống quản trị này còn có tính kế thừa và dễ dàng trong việc mở rộng quy mô để đáp ứng sự phát triển mở rộng trong tương lai. Giải pháp trên nền công nghệ SAP không chỉ giúp DN số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ, kiểm soát và quản trị chuẩn mực hơn mà còn giúp DN dược tuân thủ đúng chuẩn mực ngành quy định để nâng cao vị thế và cam kết chất lượng với đối tác, khách hàng trong và ngoài nước.
Nguồn: doanhnhansaigon.vn