Đa số hàng TPCN “made in Viet Nam” vi phạm chất lượng
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay nước ta có hơn 20.000 sản phẩm TPCN công bố chất lượng. Trong đó khoảng 60% sản phẩm được sản xuất trong nước. Trao đổi với phóng viên về thực trạng TPCN hiện nay, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết: Thời gian qua, qua đường giây nóng cũng như các luồng thông tin khác, Bộ Y tế nhận được rất nhiều phản ánh của người dân về “câu chuyện” TPCN. Bộ đã tiến hành đồng loạt triển khai đợt thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo TPCN trên phạm vi cả nước. Qua kiểm tra, đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đều có vi phạm, trong đó phần lớn là vi phạm về chất lượng.
Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm, trong 4 tháng đầu năm 2016, Cục này đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 15 cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm với số tiền hơn 300 triệu đồng.
“Các vi phạm về chất lượng cơ bản như sản phẩm chứa tân dược, trong sản phẩm không có hoạt chất như công bố, quảng cáo. Nhiều sản phẩm có hàm lượng hoạt chất không đúng như công bố và hầu hết các sản phẩm này được quảng cáo như thần dược chữa bệnh. Điều đáng lưu ý ở đây là hầu hết sản phẩm vi phạm lại là hàng “made in Viet Nam”, ông Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Y tế cho biết thêm, qua kiểm tra cho thấy có những doanh nghiệp không có nhà máy sản xuất hoặc doanh nghiệp có nhà máy sản xuất thì lại không đủ điều kiện về vệ sinh.
Chỉ tính trong năm 2015, Cục An toàn thực phẩm đã kiểm tra đối với 126 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng và đã xử lý 43 cơ sở với số tiền phạt lên đến hơn 930 triệu đồng. Ngoài ra, tạm dừng lưu thông hàng hóa 24 sản phẩm của 15 cơ sở do sản phẩm có nhãn sai quy định, sản phẩm không đạt yêu cầu chất lượng.
Hơn nửa cơ sở sản xuất TPCN có thể sẽ bị rời khỏi thị trường
Hiện nay, việc quản lý TPCN được quy định trong Luật An toàn thực phẩm. Theo các chuyên gia trong ngành đánh giá, phần lớn nội dung quy định về TPCN trong bộ luật này đều chung chung, sơ sài và không rõ ràng. Do đó, với thực trạng hàng kém chất lượng tràn lan và diễn biến phức tạp với nhiều hình thức tinh vi như hiện nay thì quy định quản lý đó không đủ sức, đủ “tầm” để quản lý TPCN. Bên cạnh đó, các hình thức xử lý khi vi phạm chưa đủ tính răn đe nhằm hạn chế cũng như giảm thiểu việc quảng cáo "tâng" TPCN lên thành “tiên dược”…
Bên cạnh đó, việc thực thi quản lý nhà nước về TPCN trên thực tế cho thấy, song song với việc quản lý bằng Luật An toàn thực phẩm thì TPCN còn được giám sát bằng Luật Dược, thế nhưng vẫn tồn tại những khoảng trống mà luật và quy định chưa “đụng” đến. Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã lợi dụng những kẽ hở đó để thực hiện những hành vi vi phạm. Trong đó phải kể đến tình trạng nhiều trường hợp sản xuất kinh doanh gắn mác “công ty” nhưng thực chất không có sơ sở sản xuất, chỉ có văn phòng đại diện và khi bị cơ quan quản lý “sờ gáy” thì văn phòng cũng “chạy” mất.
Nói về giải pháp khắc phục thực trạng trên, ông Phong khẳng định, hiện Bộ Y tế đang thực hiện các công tác chuẩn bị để tháng 6/2017 sẽ chính thức áp dụng quy định tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với các cơ sở sản xuất TPCN. Theo đó, các cơ sở sản xuất có nhà máy sản xuất đạt GMP mới được chứng nhận và công bố sản phẩm TPCN.
“Với quy định này, chúng ta sẽ loại trừ và thanh lọc các cơ sở, doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất kinh doanh TPCN, góp phần làm trong sạch thị trường TPCN trong nước. Hiện chúng ta đang có hàng ngàn cơ sở sản xuất TPCN, theo khảo sát có tới hơn một nửa số đó không đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện về GMP và có thể sẽ phải rời khỏi thị trường khi Bộ Y tế áp dụng quy định mới”, ông Phong nhấn mạnh.