Cắt giảm chi phí nhân công, hướng tới sự hiện đại hóa bằng máy móc, công nghệ đang là cái đích mà bất kỳ một cơ sở sản xuất của bất cứ ngành nghề nào cũng muốn hướng tới.
Với điều kiện hiện nay khi mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão thì chiến thắng nằm trong tay người nắm vững khoa học kỹ thuật công nghệ và biết vận dụng nó có hiệu quả cho mục đích của mình. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay, đâu đâu cũng kêu gọi đổi mới. Đây chính là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình mà cụ thể là việc đưa máy móc thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Cũng phải thấy rằng đổi mới máy móc thiết bị cũng đồng nghĩa với việc tăng năng lực sản xuất của doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Với một dàn máy móc thiết bị hiện đại đồng bộ, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí nguyên vật liệu cho một đơn vị sản phẩm, ít tiêu hao nhiên liệu hơn và lượng phế phẩm cũng ít đi. Các khoản chi phí sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị giảm. Máy móc thiết bị hiện đại làm cho năng suất lao động tăng lên, lượng sản phẩm sản xuất ra cũng tăng lên, đồng thời cũng giảm bớt lao động thủ công làm cho chi phí nhân công giảm. Từ đó góp phần làm hạ giá thành sản xuất sản phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có khả năng hạ giá bán, mở rộng được thị phần ra nhiều tầng lớp dân cư khác nhau. Đồng thời doanh thu tiêu thụ sản phẩm cũng tăng lên, kéo theo đó là lợi nhuận cũng có điều kiện tăng lên. Bên cạnh việc tiết kiệm được chi phí, với máy móc thiết bị hiện đại sẽ làm cho năng suất tăng lên cùng với đó là chất lượng sản phẩm sản xuất ra cũng tăng lên, có khả năng đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường cả về chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã, chủng loại.
Như vậy, muốn đạt được mục tiêu lợi nhuận, nâng cao vị thế của mình, mỗi doanh nghiệp cần phải tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự cần thiết phải đầu tư đổi mới máy móc thiết bị công nghệ đối với mỗi doanh nghiệp.
Thời gian qua, các công ty dược trong nước đã mạnh tay đầu tư xây dựng nhà máy, trang thiết bị, dây chuyền, thay đổi cung cách quản trị để thích ứng với sự chuyển động trên thị trường. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây cuộc đua sẽ bước sang một giai đoạn mới, cạnh tranh quyết liệt và bài bản hơn. Về điều này, PGS.TS Lê Văn Truyền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá: "Tôi thấy rằng hiện nay các doanh nghiệp dược trong nước đã bắt đầu có hiện tượng tách tốp như trong một cuộc đua xe đạp, chúng ta đang có những nhà máy tách lên tốp đầu tức là tốp sẽ đạt những tiêu chuẩn PICS, tiêu chuẩn Nhật Bản hoặc là tiêu chuẩn châu Âu".
Là một trong những doanh nghiệp dược hàng đầu ở Việt Nam, Traphaco hiểu rất rõ điều đó, công ty đã định vị chiến lược là hiện đại hóa chuỗi cung ứng dựa trên nền công nghệ tiên tiến và hệ thống quản trị hiện đại. Đây là bước quan trọng hiện thực hóa chiến lược của Traphaco trở thành công ty dược hàng đầu Việt Nam phát triển bền vững dựa trên công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống quản trị hiện đại.
Ông Trần Túc Mã, Tổng Giám đốc Traphaco cho biết, trong 2 năm qua công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tân dược ở Hưng Yên. Nhà máy này với tổng vốn đầu tư lên đến gần 500 tỉ đồng với những dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cao nhất của ngành dược với các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Quá trình sản xuất được cài đặt tự động, liên tục, giảm tối đa sự can thiệp của con người. Các thông tin quá trình sản xuất được theo dõi, lưu trữ bằng phần mềm tạo thuận lợi cho việc kiểm soát và truy xuất dữ liệu. Hệ thống thiết bị được vệ sinh và tiệt trùng tự động giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm chéo trong quản lý sản xuất và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
Điển hình là dây chuyền sản xuất thuốc nhỏ mắt - nhỏ mũi được đầu tư công nghệ thổi - rót - hàn tự động (BFS) và Traphaco là công ty đầu tiên trong nước áp dụng công nghệ này trong sản xuất thuốc nhỏ mắt - nhỏ mũi. Với công nghệ này, lọ thuốc nhỏ mắt sẽ được tạo ra từ những hạt nhựa, tự động tiệt trùng vỏ lọ, tự động bơm dịch và hàn kín lọ trong khu vực LAF vô trùng. Quá trình sản xuất được cài đặt tự động và không có sự can thiệp của con người.
Là 1 trong các dây chuyền sản xuất quan trọng của nhà máy sản xuất thuốc tân dược, dây chuyền thuốc viên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sức cạnh tranh trên thị trường của Traphaco. Dây chuyền được đầu tư hệ thống thiết bị công nghệ cao đạt chuẩn châu Âu được vận hành nhờ cánh tay robot, đảm bảo sự liên hoàn, khép kín, không sinh bụi ra ngoài môi trường, ưu tiên sử dụng nguyên liệu dung môi thân thiện với môi trường.Với công suất dự kiến trên dưới 900 triệu viên/ năm, dây chuyền thuốc viên có khả năng sản xuất được đầy đủ tất cả các dạng viên nén, viên nang cứng, viên bao film phổ biến và được ưa chuộng trên thị trường dược.
Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn GMP-WHO, nhà máy sản xuất tân dược của Traphaco ở Hưng Yên có công suất 1,2 tỉ đơn vị sản xuất/năm, với số lượng cán bộ công nhân viên của nhà máy là 130 người, giảm 1/2 so với các quy trình sản xuất cũ. PGS-TS Lê Văn Truyền chia sẻ: "Thành công của Traphaco trong việc ứng dụng công nghệ sản xuất tối tân nhất không chỉ là câu chuyện của riêng Traphaco, mà còn là câu chuyện phát triển của cả ngành dược. Các công ty dược khác cần tới tham khảo mô hình này để tổ chức sản xuất hiệu quả, năng suất hơn".
Nguồn: thitruong.nld.com.vn