Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) về việc công bố danh sách 12 công ty dược nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng phải thực hiện lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với 100% lô thuốc nhập khẩu (tiền kiểm).
Theo công văn số 1297/QLD-CL, Cục Quản lý Dược đã cập nhật ngày công bố vi phạm chất lượng và thời hạn phải kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu đối với công ty Medico Remedies Pvt.,Ltd. – Ấn Độ do tiếp tục có thuốc vi phạm chất lượng được phát hiện qua hoạt động hậu kiểm.
Đồng thời, Cục Quản lý Dược cũng rút tên của 6 công ty ra khỏi danh sách "Các công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng" do đã thực hiện lấy mẫu kiểm tra chất lượng 100% lô nhập khẩu và không có lô thuốc nào vi phạm chất lượng, đáp ứng quy định tại khoản 3, Công văn số 3256/QLD-CL ngày 5/3/2014 của Cục QLD.
Danh sách 6 đơn vị này gồm có 4 doanh nghiệp Ấn Độ: Eurolife Healthcare Pvt.,Ltd, Flamingo Pharmceuticals Ltd, Miracle labs (P) Ltd, Sun Pharmaceutical Industries Ltd và hai công ty của Hàn Quốc Crown Pharm Co. Ltd và Union Korea Pharm Co.Ltd.
Đưa tin liên quan đến vụ việc, báo Đầu tư cho biết, bổ sung 5 Công ty có thuốc vi phạm chất lượng phát hiện được qua hoạt động hậu kiểm, trong đó có 4 công ty ở Ấn Độ là All Serve Healthcare Pvt. Ltd; Gelnova Laboratories Pvt.Ltd; Mepro Pharmaceuticals Pvt.Ltd, Praya Life sciences Pvt.Ltd (đều hậu kiểm) và một công ty của Hàn Quốc Young-Il Pharm. Co.Ltd (hậu kiểm).
Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị thanh tra, quản lý dược và kiểm nghiệm thuốc thuộc Sở tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về kiểm tra chất lượng thuốc nhập khẩu lưu hành trên địa bàn quản lý và xử lý các tổ chức, các nhân vi phạm theo quy định hiện hành.
Vào cuối tháng 6/2016 báo Sài Gòn giải phóng cũng đưa tin Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế công bố danh sách 32 doanh nghiệp dược, mỹ phẩm vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính từ đầu năm đến ngày 31-5-2016.
Trong danh sách có 8 doanh nghiệp bị xử phạt do vi phạm chất lượng thuốc: Công ty Cổ phần Dược phẩm Minh Dân; Công ty TNHH United International Pharma; Công ty Cổ phần Dược phẩm Sao Kim; Công ty Young – il Pharm Co; Công ty Medico Remedies; Chi nhánh Công ty cổ phần dược phẩm Phong Phú – nhà máy sản xuất dược phẩm Usarichpharm; Công ty Precise Chemipharma Private Limited; Công ty Aceeess Healthcare.
10 doanh nghiệp vi phạm đăng ký thuốc: Công ty PT Dexa Medica, Công ty Kyongbo Phamaceutical, Công ty Khandelwal Laboratorie, Công ty Marksans Pharma Ltd-India, Công ty Gufic Biosciences Limited, Công ty Scott Edil Pharmacia, Công ty Il Hwa; Công ty Kukje Pharma; Công ty Genome Pharmaceuticals; Công ty Scott Edil Pharmacia.
9 doanh nghiệp bán thuốc giá cao hơn giá kê khai: Công ty TNHH Dược phẩm Việt Hùng, Công ty TNHH Thương mại Trí Khang, Công ty Cổ phần Dược phẩm MK Việt Nam, Công ty cổ phần thương mại Nguyễn Danh, Công ty TNHH dược phẩm Tây Sơn, Công ty CPĐT TM và dịch vụ Bảo Sơn, Công ty cổ phần dược phẩm Thủy Trúc, Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm và thương mại Sohaco, Công ty cổ phần thương mại dược phẩm Alpha Pháp
3 doanh nghiệp mỹ phẩm bị phạt: Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại Samsara, Công ty Cổ phần sản xuất hàng gia dụng quốc tế , Công ty Cổ phần xúc tiến đầu tư XNK Việt Đức.
Công ty TNHH Nhất Nhất bị xử phạt liên tiếp hai lần do vi phạm về quảng cáo thuốc có nội dung không phù hợp với hồ sơ đăng ký. Công ty Ferring Pharmaceutical vi phạm sản xuất, kinh doanh thuốc Minirin, SĐK VN-18893-15 có nhãn thuốc không đúng như hồ sơ đã được phê duyệt.
Thu Thảo (T/h)