Các loài vi khuẩn có khả năng sẽ còn nguy hiểm hơn cả những kẻ khủng bố. Các loài vi khuẩn mới ngày càng nhanh có khả năng “nhờn” với các loại thuốc kháng sinh. Hệ quả là việc sản xuất các loại thuốc để tăng cường khả năng diệt khuẩn sẽ trở nên kém hiệu quả và những ca phẫu thuật đơn giản như mổ ruột thừa hoặc tiểu phẫu cũng sẽ phải dè chừng.
Sir Alexander Fleming- cha đẻ của thuốc kháng sinh Penecillin- mà nhờ nó trong thời gian xảy ra chiến tranh Thế giới thứ II hàng trăm nghìn người đã được cứu sống, khi nhận giải thưởng Nobel năm 1945 cũng cảnh báo rằng tác dụng của loại “thần dược” này sẽ không phải là vĩnh cửu. Bởi không sớm thì muộn các loại vi khuẩn sẽ thích ứng và trở nên “nhờn” với Penecillin.
Cảnh báo của A.Fleming đã nhanh chóng có hồi đáp. Thuốc Tetracycline xuất hiện năm 1950 thì chỉ 9 năm sau các loại vi khuẩn đã bắt đầu có khả năng kháng thuốc này. Siêu kháng sinh Erythromycin có khả năng chữa bệnh ho gà và viêm phổi, được sản xuất năm 1953 thì đến 1968 các loại vi khuẩn đã có khả năng làm thuốc này phải “quy hàng”.
Linezolid được giới thiệu năm 2000 thì 1 năm sau đã có dấu hiệu “bất lực”. Còn Daptomicyn được sử dụng rộng rãi năm 2003 nhưng vào năm 2004 dấu hiệu tương tự cũng đã được ghi nhận.
Hiện tượng kháng thuốc nhanh chóng đối với kháng sinh đang làm “nhụt chí” các nhà sản xuất. Lý do đơn giản là bởi chi phí để sản xuất 1 loại kháng sinh mới tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD. Trong khi khoản đầu tư này chưa kịp hoàn vốn mà tác dụng diệt khuẩn của nó đã không còn. Sự thiếu hào hứng được thể hiện qua số liệu thống kê của năm 2004: chỉ có 5 loại kháng sinh mới được sản xuất trong khi có hơn 500 loại thuốc mới chữa các bệnh mãn tính được tung ra thị trường.
Vấn đề vi khuẩn nhanh chóng kháng thuốc đang làm đau đầu các quan chức quản lý trong ngành y tế. Hồi tháng 9 năm nay, giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Mỹ Thomas Frieden cảnh báo nếu thiếu thận trọng, chỉ một thời gian ngắn nữa toàn nhân loại sẽ không còn có loại thuốc kháng sinh hữu hiệu nào để sử dụng. Còn Bác sỹ trưởng của Vương quốc Anh- Dame Sally Davies thì cho rằng do khả năng “nhờn” thuốc ngày càng nhanh, các loài vi khuẩn có thể còn nguy hiểm hơn cả nhũng kẻ khủng bố. Trong tương lai rất có thể sự nhiễm khuẩn nhẹ cũng có khả năng gây chết người vì không có loại thuốc chữa trị hữu hiệu.
Năm 2009, tại 1 bệnh viện ở New York, người ta đã tiến hành thành công ca phẫu thuật cho 1 người đàn ông 67 tuổi. Tuy nhiên do nhiễm khuẩn sau phẫu thuật ngay trong bệnh viện, người bệnh đã qua đời mặc dù các bác sỹ đã dùng đủ các loại thuốc kháng sinh hiện có nhưng tất cả đều bất lực. Không có thuốc kháng sinh rất có thể sẽ trở thành quy luật thay vì là hiện tượng như mọi người vẫn quan niệm cho đến thời điểm này. Và vì vậy phẫu thuật chỉ được tiến hành trong những trường hợp đặc biệt vì khả năng rủi ro sẽ rất cao, nhất là đối với người già và trẻ em.
Phân tích đề tài này, nhà báo Marin McKenna nhận định: con người sẽ mất dần cơ hội trong việc điều trị ung thư và cấy ghép nội tạng vì hệ miễn dịch sẽ trở nên yếu ớt. Những phương pháp chữa trị bằng cách truyền thuốc như chạy thận sẽ ngày càng trở nên khó khăn. Ngay cả các công việc giản đơn như phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ, xăm mình… cũng phải cho vào dĩ vãng vì những lý do nêu trên. Tỷ lệ tử vong khi sinh nở cũng rất có thể sẽ như thời kỳ mông muội- cứ 1000 phụ nữ mang thai thì có 5 người chết do bệnh tật.
Gốc rễ bắt nguồn từ việc thay đổi khẩu phần ăn của nhân loại. Do nhu cầu thức ăn là thịt cá tăng nên ngành chăn nuôi phát triển theo phương pháp công nghiệp. Và để tăng hiệu quả sản xuất, lượng kháng sinh dùng cho chăn nuôi ngày càng tăng. Đặt giả thiết ngược lại- giảm hoặc ngừng sử dụng kháng sinh cho chăn nuôi, giá thành sản phẩm sẽ tăng. Theo đánh giá của Hiệp hội chăn nuôi lợn của Mỹ, giá 1kg thịt lợn sẽ tăng thêm khoảng 4,5USD. Và dường như cho đến thời điểm hiện nay, vấn đề cũng đã tương đối trầm trọng. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, 65% thịt gà và 44% thịt bò đã “nhờn” với thuốc Tetracycline và với 5 loại kháng sinh có 11% thịt lợn cũng tương tự như vậy.
Sử dụng kháng sinh thường xuyên trong thức ăn chăn nuôi để phòng bệnh sẽ làm tồn dư kháng sinh trong sản phẩm như thịt, trứng, sữa. Qua đó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Phạm Hoàng