Hiện nay các mặt hàng là dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… có chiều hướng gia tăng.
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế.
PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Y tế kiêm Trưởng Ban chỉ đạo 389, Bộ Y tế, cho biết hiện nay các mặt hàng là dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, thời gian gần đây, mặt hàng dược phẩm giả, kém chất lượng được các cơ quan chức năng phát hiện có xu hướng tăng mạnh.
Để chủ động phối hợp triển khai nhằm phòng chống, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng kịp thời hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tiếp tục quán triệt, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện Công điện số 90/CĐ-BCĐ389 ngày 13-7-2015 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia về việc phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, hàng giả là thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh tập trung rà soát các hoạt động cấp phép sản xuất, nhập khẩu, hợp quy, kiểm tra chất lượng các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả.
Các tỉnh/thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra tại các địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ như thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền…
Đặc biệt, các địa phương cần chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm chủ động kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, thực phẩm và mỹ phẩm trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định.
Trước đó, liên quan tới cơ sở sản xuất gia công thực phẩm chức năng Vinaca sản xuất sản phẩm “Vinaca ung thư Co3.2” từ bột than tre (tại địa chỉ ngõ Đại Tu, tổ Tiến Bộ, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng), Bộ Y tế cũng cho biết kết quả kiểm tra, xác minh và xử lý của các cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng. Sở Y tế Hải Phòng kết luận sản phẩm “Vinaca ung thư Co3.2” không phải là thuốc và cũng không phải là mỹ phẩm.
Nguồn: news.zing.vn