Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam và Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam phối hợp với Viện Y học Cổ truyền Việt Nam tổ chức Hội thảo: "Giải mã cơn sốt thực phẩm chức năng".
Theo các chuyên gia tại Hội thảo, nhiều người tiêu dùng chọn sử dụng Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (trước gọi là thực phẩm chức năng) nhưng chưa thực sự hiểu rõ về các đặc tính của sản phẩm.
Ông Phạm Hưng Củng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển thực phẩm chức năng với hơn 4.000 thảo dược, 9.000 cây làm thực phẩm truyền thống. Do vậy, thị trường trong nước cũng đang chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của các cơ sở sản xuất thực phẩ chức năng cũng như các loại sản phẩm thực phẩm chức năng nhập khẩu, thậm chí thực phẩm chức năng xách tay.
Nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm thực phẩm chức năng của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có tới 4.190 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán thực phẩm chức năng.
Sự phát triển “thần tốc” này khiến việc kiểm soát hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng thêm khó khăn. Nhiều vụ phát hiện và thu giữ gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả thực phẩm chức năng rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng.
Bác sỹ Nguyễn Thị Hằng, Phó Viện Trưởng Viện Y Học Cổ Truyền Tuệ Tĩnh cho rằng, hầu hết các loại thuốc nói chung và thực phẩm chức năng nói riêng đều có khuyến cáo không thích hợp với một số đối tượng như cao huyết áp, suy gan, suy thận…
Do đó, nếu ai mắc một chứng bệnh mãn tính, cần đọc kỹ khuyến cáo trước khi mua thực phẩm chức năng. Cũng theo chuyên gia này, một số loại thực phẩm chức năng sẽ bị giảm tác dụng khi dùng cùng lúc với các loại thuốc khác. Chính vì thế, trước khi khi muốn sử dụng thực phẩm chức năng cùng với loại thuốc khác nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế.
Về phía Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương Hiệu Việt Nam, ông Vũ Thiện Vương, Phó Chủ tịch cho rằng, người tiêu dùng cần có kiến thức để phân biệt thực phẩm chức năng chính hãng và hàng giả, hàng nhái.
Cách phân biệt phổ biến nhất là qua mã vạch. Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần quét mã UPC của thực phẩm chức năng các thông tin của sản phẩm sẽ hiện ra rõ ràng; Màu sắc hình ảnh trên bao bì. Sản phẩm chính hãng sẽ có tem chống hàng giả. Nếu là hàng chính hãng nhập khẩu có tem phụ ghi rõ đơn vị nhập khẩu và tem chống hàng giả do Bộ Công An cấp.