Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã ban hành quy định cấm lưu hành hàng nghìn sản phẩm tẩy rửa chứa 19 chất diệt khuẩn gây nguy hại cho người tiêu dùng, nhưng vì sao ở Việt Nam vẫn bày bán công khai?
Tại Hoa Kỳ, các sản phẩm này được phân loại là thuốc OTC – drug product over the counter. Theo FDI thì các sản phẩm này chỉ được lưu hành trên thị trường đến hết ngày 06/9/2017 (12 tháng kể từ khi quy định ban hành).
Khoảng 2.100 sản phẩm xà phòng, nước tẩy rửa, sữa tắm đang lưu hành trên thị trường có chứa 19 loại hóa chất được cho là chưa đúng công dụng, có khả năng gây ra phản ứng nguy hại cho người dùng, trong đó phổ biến là chất triclcosan và triclocarban.
Trong vòng một năm, các nhà sản xuất kinh doanh phải nghiên cứu thay thế bằng các thành phần khác.
Tại thị trường Việt Nam thì sao? Sau một tháng có thông tin trên, ghi nhận thực tế tại các cửa hàng, siêu thị ở TP.HCM, chúng tôi nhận thấy, các loại sản phẩm có chứa các chất nói trên vẫn bày bán bình thường. Người bán, người mua dường như đang bàng quan và không biết hoặc chưa thấy có sự tác động nào từ thông tin trên.
Tại Siêu thị Maximark Cộng Hòa (quận Tân Bình), không khó để nhận ra sản phẩm sữa tắm BeNice nhập khẩu từ Thái Lan có chứa chất triclcosan và triclocarban.
Chị Dương Tú Trinh, phụ trách kinh doanh Công ty CP Quảng cáo Thương mại Đồng Xanh (quận Tân Phú) là doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối sản phẩm BeNice, cho biết, hiện nay doanh nghiệp này vẫn chưa nhận được văn bản nào từ Bộ Y tế khuyến cáo về việc phân phối sản phẩm chứa 2 chất nói trên. Về phía siêu thị cũng chưa đưa ra yêu cầu không bày bán sản phẩm này.
Còn đối với người tiêu dùng, chúng tôi đã có cuộc khảo sát, thăm dò nhanh tại chỗ và kết quả cho thấy, đa phần đều không biết thông tin về các chất cấm trong các sản phẩm sữa tắm, dầu gội, nước rửa tay ở Mỹ. Số ít nguời có biết nhưng cũng chỉ loáng thoáng và họ chưa hề có ý quay lưng lại sản phẩm đang dùng, dù có chứa các chất đang được cảnh báo.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Điện tử VTC News, hiện nay Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn nào đối với 19 loại hóa chất nói trên trong sản xuất và phân phối các sản phẩm sữa tắm, dầu gội, nước rửa tay…, ông Trương Quốc Cường (Cục trưởng Cục quản lý Dược - Bộ Y tế), cho biết, Việt Nam tham gia Hiệp định mỹ phẩm ASEAN, các nước tham gia Hiệp định phải tuân thủ các quy định chung của ASEAN.
Theo quy định của Hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN, hằng năm Hội đồng mỹ phẩm ASEAN và Hội đồng khoa học kỹ thuật mỹ phẩm ASEAN có trách nhiệm rà soát, cập nhật, bổ sung các danh mục quy định trong Hiệp định và được các nước thảo luận và thống nhất thông qua để áp dụng chung cho tất cả các quốc gia trong khối ASEAN.
Ngoài FDA Mỹ đưa ra qui định trên, hiện tại, trên thế giới, Châu Âu và các quốc gia khác cũng như ASEAN chưa có quốc gia nào có qui định tương tự.
Cũng theo ông Cường, ngay khi FDA Mỹ có qui định đối với 19 chất diệt khuẩn, Cục Quản lý Dược Việt Nam đã liên hệ với Ban Thư ký ASEAN, Hội đồng mỹ phẩm ASEAN về qui định mới của FDA Mỹ. Thông tin ban đầu ghi nhận, tất cả các nước ASEAN chưa có qui định nào khác trước đây đối với 19 chất diệt khuẩn nêu trên trong sản phẩm mỹ phẩm.
Cục Quản lý Dược Việt Nam cũng đã đề xuất thảo luận về vấn đề này tại cuộc họp Hội đồng khoa học kỹ thuật ASEAN (ACSB) lần thứ 25 được họp vào tháng 11 tới tại Brunei, để Hội đồng mỹ phẩm ASEAN đưa ra cách thức quản lý thống nhất trong khối đối với 19 chất nêu trên.
Bên cạnh đó, để cung cấp thông tin chủ động kịp thời, Cục Quản lý Dược cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp rà soát thành phần công thức của các sản phẩm có chứa 19 chất nêu trên, chủ động nghiên cứu thay thế các chất diệt khuẩn nằm trong 19 chất diệt khuẩn nêu trên bằng các thành phần khác tốt hơn để đảm bảo chỉ đưa ra lưu thông phân phối các sản phẩm mỹ phẩm hiệu quả, an toàn.
Danh mục 19 chất diệt khuẩn do FDA Hoa Kỳ khuyến cáo
1. Cloflucarban
2. Fluorosalan
3. Hexachlorophene
4. Hexylresorcinol
5. Iodophors (Iodine- có chứa các thành phần khác)
6. Hợp chất Iodine (ammonium ether sulfate và polyoxyethylene sorbitan monolaurate)
7. Hợp chất Iodine (phosphate ester của alkylaryloxy polyethylene glycol)
8. Nonylphenoxypoly (ethyleneoxy) ethanoliodine
9. Hợp chất Poloxamer - iodine
10. Povidone-iodine 5 - 10 %
11. Hợp chất Undecoylium chloride iodine
12. Methylbenzethonium chloride
13. Phenol
14. Amyltricresols loại 2
15. Sodium oxychlorosene
16. Tribromsalan
17. Triclocarban
18. Triclosan
19. Triple dye