Dường như vấn nạn mỹ phẩm giả chưa bao giờ có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí còn ngày càng tinh vi và nghiêm trọng hơn.
Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc 30 loại mỹ phẩm do không đạt chất lượng.
Thật giả khó phân
Chuyên bán hàng mỹ phẩm xách tay của Nhật Bản, Hàn Quốc, chị Nguyễn Minh Phương ở Hòa Mã (Hà Nội) chia sẻ: Có nhiều loại sản phẩm làm giả rất tinh vi, nếu người không am hiểu chắc khó có thể phân biệt được hàng giả, hàng thật.
Thậm chí, ngay bản thân chị tuy đã nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nhưng vẫn gặp phải sản phẩm giả. “Nhiều khách hàng phàn nàn với tôi, dù đã bỏ ra tiền triệu để mua mỹ phẩm ngoại xách tay về hẳn hoi nhưng vẫn gặp phải hàng rởm” – Chị Phương cho biết.
Dạo quanh một số cửa hàng bán mỹ phẩm xách tay trên địa bàn Hà Nội cho thấy một thực tế là hàng xách tay hầu hết đều có giá rẻ hơn, thậm chí chênh lệch khá nhiều so với giá tại các cửa hàng, đại lý chính thức.
Từ các loại mỹ phẩm mang nhãn hiệu bình dân như: Pond’s, Maybeline, Essance… đến những dòng sản phẩm cao cấp như: Dior, Chanel, Lancôme… được bày bán tại các cửa hàng mỹ phẩm xách tay cũng đều có giá rẻ hơn nhiều so với siêu thị, hay các cửa hàng chính hãng từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.
Đặc biệt, thời gian gần đây, đánh vào phong trào mua bán mỹ phẩm của các nhãn hiệu nổi tiếng từ Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc… nhiều tài khoản trên facebook, zalo… đã kinh doanh mặt hàng này và tất nhiên khi quảng cáo họ đều khẳng định chỉ bán hàng xách tay chính hãng, không bán hàng giả.
Tuy nhiên, đại diện một nhà phân phối mỹ phẩm tại Việt Nam cho biết, với nhiều người dùng, để phân biệt được mỹ phẩm thật và giả khó hơn lên… trời.
Theo đại diện của hãng này, hiện nay, công nghệ làm giả đã phát triển mạnh, nên bao bì, kiểu dáng đều y như hàng thật. Chỉ khi sử dụng hoặc có hàng thật để so sánh thì may ra mới phát hiện được…
Cần sự mạnh tay của các cơ quan chức năng
Nạn mỹ phẩm giả đang ngày càng nhức nhối. Thời gian qua, tình trạng hàng loạt các vụ việc liên quan đến việc buôn lậu, sản xuất mỹ phẩm giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với số lượng lớn bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, đã một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về mỹ phẩm giả, nhái vẫn tồn tại và gây độc hại cho người sử dụng.
Nhiều chị em chắc sẽ “đoạn tuyệt” với mỹ phẩm nếu tận mắt chứng kiến công thức sản xuất các loại mỹ phẩm “cao cấp” của một số cơ sở làm ăn bất chính.
Chỉ từ các loại bột nguyên liệu mua trôi nổi trên thị trường hoặc tại các chợ được trộn lẫn với nhau, các mẻ “mỹ phẩm” sau khi bỏ vào nồi nấu chín, để nguội được rót vào các hũ, lọ, hộp rồi dán tem, nhãn mác “hô biến” trở thành các sản phẩm như: Kem trắng da, kem trị nám, trị mụn… đưa ra thị trường tiêu thụ.
Với “công nghệ” này, không cần nói thêm thì chúng ta cũng biết được hậu quả nó để lại nặng nề như thế nào cho sức khỏe và sắc đẹp người sử dụng.
Nhẹ thì viêm nhiễm da, bít lỗ chân lông để lại mủ và sẹo; nặng hơn có thể gây rối loạn sắc tố da rất khó điều trị… Nguy hiểm nhất là ảnh hưởng đến người mang thai, có thể gây ra quái thai, hại gan, thận…
Thực tế cho thấy, mỹ phẩm giả có thể lộng hành trên thị trường như vậy, có lẽ bởi xuất phát từ nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của người dân, đặc biệt là phái nữ, trong khi đó mỹ phẩm lại rất dễ làm giả với chi phí thấp và lợi nhuận cao trong khi hành lang pháp lý, chế tài còn thiếu, chưa cụ thể chặt chẽ, mức độ xử lý các hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe…
Bởi vậy, mặc dù rất nhiều vụ việc, nhiều cơ sở buôn bán, sản xuất mỹ phẩm giả đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý với số lượng tính bằng tấn nhưng dường như chỉ như muối bỏ biển.
Người tiêu dùng hoang mang, lo sợ nhưng vẫn đành phải chấp nhận một thị trường mỹ phẩm quá thiếu an toàn. Doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng thì lực bất tòng tâm, chịu cảnh sống chung với hàng gian, hàng giả.
Cơ quan chức năng thì mãi vẫn chưa có giải pháp nào khả thi và hiệu quả… Trước thực trạng trên, đã đến lúc người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan chức năng phải cùng bắt tay hợp tác để đẩy lùi “vấn nạn” này, nhằm tạo một môi trường xã hội an toàn hơn, lành mạnh hơn.
Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh mua phải mỹ phẩm giả, người tiêu dùng chỉ nên mua mỹ phẩm từ đại lý được ủy quyền, chú ý bao bì, kiểm tra mã vạch, số seri và thông tin sản xuất, kiểm tra màu sắc sản phẩm, chú ý đến mùi và kết dính, thử sản phẩm trước khi mua.