Không chỉ những thương hiệu nổi tiếng, các loại mỹ phẩm thiên nhiên chưa được cấp phép cũng được làm giả công khai. Việc sử dụng mỹ phẩm giả triền miên có thể dẫn đến nhiều triệu chứng tiêu cực như sạm da, nám da, thậm chí ung thư da.
Làm giả nhiều nhưng khó xử lý
Ngay sau khi báo Dân Trí đăng tải loạt vài về mỹ phẩm thiên nhiên tự chế bán chui để giữ bí quyết, chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã phản hồi về tình trạng trên. Theo người phát ngôn của chi cục QLTT, hiện nay tình trạng mỹ phẩm được làm giả khá tinh vi nên các lực lượng chức năng gặp khó khăn khi tiến hành kiểm tra.
"Với công nghệ về bao bì hiện nay, mỹ phẩm giả có rất ít điểm khác biệt so với mỹ phẩm thật. Hơn nữa, mỹ phẩm giả thường được bày bán lẫn lộn chung với mỹ phẩm thật khiến người tiêu dùng rất khó nhận diện hàng thật – hàng giả. Hiện tại, mặt hàng mỹ phẩm vô cùng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, tính năng mà ngay cả các cơ quan thực thi cũng không có đủ các thông tin về đặc điểm nhận biết", ông Nguyễn Văn Bách - Phó Chi cục trưởng QLTT TPHCM, chia sẻ.
Cũng theo ông Bách, đa số các vụ việc liên quan đến mỹ phẩm giả được lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý thông qua phản ánh từ chủ thể quyền (phần lớn đều ủy quyền cho đại diện sở hữu trí tuệ là những công ty tư vấn luật). Nguyên nhân chủ yếu do nhiều trường hợp qua kiểm tra phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ hàng giả nhưng cơ quan QLTT không thể tìm được chủ thể quyền hoặc đại diện sở hữu trí tuệ theo ủy quyền, có đủ năng lực chuyên môn giám định hàng hóa thực tế để phân biệt hàng thật-hàng giả (không do chính hãng sản xuất).
Bên cạnh đó, hiện nay chưa có hệ thống cảnh báo an toàn mỹ phẩm trong nước, hệ thống các phòng thí nghiệm kiểm định chưa đáp ứng được yêu cầu... Hầu hết các thông tin cảnh báo an toàn về các sản phẩm mỹ phẩm có chứa độc tố, tiềm ẩn mối nguy gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng cho đến nay đều chỉ được biết đến qua phát hiện của báo chí, thông qua cảnh báo từ các phương tiện thông tin của nước ngoài…
"Khó khăn lớn nhất cho cơ quan quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, xử lý mỹ phẩm giả là sự đối phó của người kinh doanh. Phần lớn các cửa hàng có bán mỹ phẩm giả đều đối phó bằng cách chỉ trưng bày một vài sản phẩm loại này, hoặc có khi mẫu trưng bày chỉ là bao bì ngoài không có thành phẩm bên trong, khi có đặt hàng người bán sẽ điện thoại cho người nhà đi lấy từ nơi khác để giao hàng. Điều này đã làm giảm hiệu quả kiểm tra của cơ quan chức năng. Vì nếu có phát hiện thì hàng hóa cũng rất ít, hoặc chỉ là bao bì rất khó xử lý", ông Bách nhấn mạnh.
Hàng giả lộng hành vì người dùng ham rẻ
Ngoài việc ngang nhiên bán mỹ phẩm giả của các tiểu thương, hiện nay cũng khá nhiều người tiêu dùng dễ dãi trong việc sử dụng mỹ phẩm. Chính điều đó cũng khiến cho thị trường mỹ phẩm giả càng phát triển rộng rãi hơn.
Ông Bách thừa nhận: "Trên thực tế, hiện nay trên thị trường mặt hàng mỹ phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng có nhãn mác lập lờ, không rõ ràng còn đang lưu thông, bày bán ở các chợ, cửa hàng”.
“Việc kiểm tra, xử lý, ngăn chặn những loại hàng này của các cơ quan chức năng nhìn chung có tác động nhất định nhưng chưa thật sự ngăn chặn một cách hiệu quả. Hoạt động vi phạm chỉ tạm lắng và giảm xuống trước mắt trong khoảng thời gian bị kiểm tra xử lý, sau đó đối tượng thay đổi địa điểm, phương thức buôn bán, chứa trữ hàng vi phạm để tiếp tục kinh doanh", ông Bách chia sẻ thêm.
Các loại mỹ phẩm giả được làm giả y như hàng thật
Theo số liệu từ Chi cục QLTT TPHCM, từ đầu năm 2017 đến nay TP đã kiểm tra 180 vụ về mỹ phẩm giả thì có 179 vụ vi phạm. Trong đó có nhiều loại hành vi vi phạm như kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, kinh doanh hàng không công bố tiêu chuẩn…
Ông Bách khuyến cáo: “Để đấu tranh ngăn chặn tình trạng mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc hiện nay, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý như trên của các cơ quan chức năng cần tiến hành việc tuyên truyền về tác hại của việc mua, sử dụng mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhái nhãn hiệu nổi tiếng bán giá rẻ, không rõ nguồn gốc; hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết các loại mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc qua xem xét về sản phẩm trên tay khi chọn mua; khuyến cáo người tiêu dùng nên mua mỹ phẩm tại các địa điểm kinh doanh cố định có địa chỉ rõ ràng, có đăng ký kinh doanh để thực hiện quyền khiếu nại khi cần thiết”.
Nguồn: dantri.com.vn