Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định việc dược liệu nước ta có tiềm năng nhưng nguyên dược liệu vẫn nhập khẩu nhiều đến 80% là một sự vô lý.
Sẵn nguyên liệu… nhưng thiếu nghiên cứu, đầu tư bài bản
Báo cáo của Bộ Công thương tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 chỉ rõ một nghịch lý của ngành dược Việt: Đó là dược liệu sẵn có nhưng chủ yếu là nhập khẩu (đến 80%).
Điển hình nhất được đại diện Bộ Công thương chỉ ra là việc phải nhập khẩu hoàn toàn các loại hóa chất trị ung thư với giá rất đắt, trong khi nhiều loại cây trong nước chứa các hoạt chất hoặc các tiền chất chống ung thư như cây như cây thông đỏ (Taxol), cây dừa cạn (Vinblastin, vincristin), cây khổ sâm cho lá, trinh nữ hoàng cung (Lycorin),… lại chưa được khai thác.
Một nghịch lý khác là Việt Nam có tới 41 nhà máy chế biến tinh bột sắn (công suất lên tới 3.000 tấn bột/ngày) nhưng lại phải hoàn nhập khẩu hoàn toàn tinh bột biến tính - một tá dược phục vụ cho ngành công nghiệp dược.
Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng: “Dược liệu nước ta có tiềm năng nhưng nguyên dược liệu vẫn nhập khẩu nhiều đến 80%. Điều này là rất vô lý cho 1 đất nước nông nghiệp như Việt Nam ta”.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo.
Trên thực tế, trong giai đoạn 2009-2015, ngành hóa dược Việt Nam đã xây dựng được các quy trình công nghệ tiên tiến để tổng hợp và tinh chế nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị ung thư, tim mạch, đái tháo đường, nhiễm khuẩn… hình thành một số trung tâm nghiên cứu về công nghệ tổng hợp hóa được, đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu… Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công thương chỉ ra sự phát triển này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chủ yếu là bào chế đơn giản, hàm lượng kỹ thuật thấp, ít có các dạng bào chế công nghệ cao.
Kết quả là các nghiên cứu về thuốc chữa bệnh tim mạch vẫn chỉ dừng ở quy mô phòng thí nghiệm, chưa sản xuất được nguyên liệu thuốc điều trị tăng huyết áp và đau thắt ngực. Tương tự là thuốc hỗ trợ điều trị cai nghiện, chữa HIV, cũng chỉ dừng ở các đề tài nghiên cứu, chưa có cơ sở nào sản xuất.
Nhiều tồn tại
Báo cáo của UBND TP Hà Nội nêu rõ một trong những hạn chế của ngành công nghiệp Dược Việt là công nghiệp bào chế vẫn chỉ là dạng cổ điển (sản xuất các dạng bào chế quy ước), đa số chưa tiếp cận được với bào chế hiện đại. Vì vậy chất lượng thuốc thường được đánh giá theo các tiêu chí vật lý, hóa học.
Ông Ngô Đông Hải, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Chưa kể, theo ông Ngô Đông Hải, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương trong khi các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt của các nhà cung ứng ngoại từ Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu thì các trung tâm phân phối dược liệu còn chưa đạt chuẩn quốc tế, kể cả ở Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, báo cáo của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc nội địa đã có tăng trong các năm qua nhưng chỉ tăng ở tuyến xã và huyện còn tuyến trung ương thì chỉ khoảng 11%, còn lại là sử dụng thuốc ngoại nhập.
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ cho phát triển ngành cũng như hỗ trợ triển khai các nghiên cứu khoa học công nghệ cũng chưa phát huy đầy đủ tác dụng, tạo đà và động lực cho phát triển ngành.
Một doanh nghiệp phát biểu tại Diễn đàn đặt vấn đề: Đầu tư một nhà máy sản xuất thuốc ung thư là vài chục triệu đô la Mỹ trong khi số bệnh nhân ung thư cả nước chỉ vào khoảng 200.000 người. Nếu không có quy hoạch tốt, nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư và kéo theo đó là nhiều doanh nghiệp sẽ chết.
Một vấn đề khác được chỉ ra là thiếu sự kết nối giữa nghiên cứu và sản xuất. Doanh nghiệp này cho biết: Các đề tài công nghệ cao, kỹ thuật mới chưa được Nhà nước ưu tiên, nhiều đề tài làm ra nhưng không biết chuyển ai trong khi người cần lại không biết tìm đâu.
Cùng với việc chỉ ra những thực tế của ngành Dược, nhiều chuyên gia cũng đã đóng góp các giải pháp, trong đó nhấn mạnh vai trò của các chính sách vĩ mô, tập trung khắc phục các hạn chế.
Tuy nhiên, rõ ràng, việc đặt ra mục tiêu đảo ngược tình thế trong 3 năm là không hề đơn giản và nhận định của nữ Bộ trưởng Y tế trong phát biểu khai mạc Diễn đàn: “Mục tiêu đến năm 2020, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước là rất khó khăn” là hoàn toàn có cơ sở.