Thị trường dược được đánh giá là rất tiềm năng, nhưng doanh nghiệp trong nước mới đáp ứng được non nửa nhu cầu. Để không mất trận địa ngay trên sân nhà, ngành dược cần có những tên tuổi đủ sức cạnh tranh với các đối thủ ngoại và M&A là con đường gần như tất yếu.
Sân chơi còn rộng lớn
Theo Hiệp hội Dược, ngành dược hiện được xếp thứ 6 trong số các ngành có doanh thu cao nhất trên thế giới. Tiêu dùng thuốc toàn thế giới hiện nay là 1.200 tỷ USD/năm, trong đó, biệt dược sáng chế (patented drugs) chiếm 50% (615 - 645 tỷ USD) và các bảo hộ sáng chế này kéo dài khoảng 20 năm. Trong khi đó, thuốc đã hết thời gian bảo hộ chiếm 30% (400 - 430 tỷ USD).
Chi tiêu thuốc tính theo đầu người giữa các nước phát triển và đang phát triển có sự chênh lệch lớn (609 USD so với 91 USD). Chi tiêu cho thuốc ở Việt Nam hiện ở mức rất thấp, với 40 USD/người/năm.
Về tiềm năng phát triển trong tương lai, tăng trưởng thị trường dược phẩm toàn cầu là 3 - 6%/năm, trong đó thị trường dược phẩm Mỹ là 1 - 4%/năm và thị trường dược phẩm các nước đang phát triển là 12 - 15%/năm.
Theo PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia dược, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, yếu tố thành công của các công ty dược phẩm là chứng minh được lợi ích của các sản phẩm và dịch vụ của mình. Hiện nay ở Việt Nam, giá thuốc biệt dược hầu như ngoài tầm với của đa số người dân.
Vì vậy, theo ông Truyền, vấn đề mà các doanh nghiệp phải giải quyết là đưa thuốc tiếp cận người bệnh. Ông cho rằng, bán thuốc giá rẻ cho nhiều người sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn so với việc chỉ bán thuốc giá cao cho một bộ phận người bệnh.
Thị trường dược Việt Nam hiện là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất châu Á, đứng thứ 17/175 quốc gia trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2015 là 17 - 20%/năm. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng của thị trường này tại Việt Nam được dự báo cao hơn mức 17%.
Động thái M&A ngành dược
Tuy thị trường dược được đánh giá là rất tiềm năng, nhưng hiện sản lượng thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu với giá trị nhập khẩu tăng 16%/năm. Thực trạng này cho thấy, “mật ngọt” vẫn chủ yếu chảy vào túi các đại gia dược phẩm nước ngoài.
Do đó, để không để mất trận địa ngay tại sân nhà thì thị trường dược cần có những tên tuổi nội đủ năng lực so găng với các đối thủ ngoại và M&A là con đường gần như tất yếu.
Thực tế, động thái M&A ngành dược cũng đang phát đi tín hiệu ấm dần. Động thái gần đây nhất là việc đầu năm 2017, Công ty cổ phần Dược Cửu Long đã ký kết hợp đồng mua bán cổ phần Công ty cổ phần Dược phẩm Euvipharm từ Công ty Valeant Pharmaceuticals International, Inc., với tổng giá trị chuyển nhượng là 170 tỷ đồng. Thương vụ này được dự kiến hoàn tất trong quý I/2017. Sau khi hoàn tất, Dược Cửu Long và công ty con (do Dược Cửu Long sở hữu 100% vốn) sẽ sở hữu 90% vốn tại Euvipharm.
Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Dược Cửu Long cho biết, việc mua cổ phần chi phối tại Dược phẩm Euvipharm sẽ giúp Dược Cửu Long tăng mạnh năng lực sản xuất và phát triển các dòng dược phẩm mới như thuốc tiêm, thuốc nhỏ mắt…, nhờ tận dụng được hệ thống trang thiết bị hiện đại của Euvipharm tại Long An. Ngoài ra, cùng với Euvipharm, nhóm công ty dược phẩm của Dược Cửu Long có thể đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để phát triển nhiều sản phẩm mới, đặc biệt là thuốc điều trị các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường.
Công ty cổ phần Dược phẩm Euvipharm hiện sở hữu Nhà máy sản xuất dược phẩm tại huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), với tổng vốn đầu tư 17 triệu USD. Nhà máy có công suất sản xuất lớn đối với hầu hết các dạng bào chế phổ biến, bao gồm cả các sản phẩm kháng sinh bột, viên sủi và các sản phẩm đòi hỏi môi trường sản xuất đặc biệt.
Trong khi đó, Dược phẩm Cửu Long đang sở hữu 3 nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn GMP-WHO. Công ty này cung ứng ra thị trường các mặt hàng thuốc chữa bệnh, vitamin, dụng cụ y tế, ống bơm tiêm, dây truyền dịch... Đây là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sản xuất và cung ứng sản phẩm capsule (viên nang cứng rỗng) các loại.
Việc Dược Cửu Long mua lại Euvipharm tuy mới chỉ là động thái mang tính đơn lẻ, nhưng trong tương lai, nhiều doanh nghiệp dược khác có thể cũng sẽ phải tính đến M&A để gia tăng sức mạnh trước áp lực cạnh tranh.