Ngành dược Việt Nam hiện đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong hơn 10 năm qua, đứng thứ 13 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng. Các chuyên gia đánh giá, ngành dược được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh 10% - 15%/năm trong các năm tới và quy mô thị trường trong năm 2019 sẽ đạt giá trị 7,3 tỉ USD. Việc thực hiện M&A góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ nâng cao kỹ năng quản trị mà còn mở rộng thị phần, tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực mới, phát triển mạng lưới phân phối…
Vốn ngoại “tăng liều”
Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, dược phẩm được xem là nhóm ngành "phòng thủ", ít chịu tác động chung của thị trường. Bản thân ngành dược cũng mang nhiều yếu tố đặc thù, với những tiêu chuẩn khắt khe về mặt công nghệ, rào cản gia nhập ngành cao. Tuy nhiên, khoảng 5 năm gần đây, lĩnh vực ít được nhà đầu tư chú ý này lại âm thầm diễn ra những thương vụ thâu tóm lớn.
Điều này có thể thấy rõ khi chỉ trong hơn 1 tuần, “đại gia” dược phẩm Nhật Bản Taisho Pharmaceutical đã có 2 lần công bố mua thêm cổ phần của Dược Hậu Giang (mã CK: DHG).
Theo kế hoạch công bố ngày 28/2, doanh nghiệp Nhật Bản này sẽ mua thêm 28,36 triệu cổ phiếu (tương đương 21,7%) cổ phần của Dược Hậu Giang. Kế hoạch này được đưa ra chỉ một tuần sau khi hãng hoàn tất mua 925.200 cổ phiếu DHG (khoảng 0,7%).
Mức giá dự kiến Taisho đưa ra mua mỗi cổ phần DHG lần này là 120.00 đồng. Như vậy đại gia Nhật Bản dự chi khoảng 3.400 tỷ đồng để mua thêm 21,7% cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu lên 56,69%, qua đó nắm quyền kiẻm soát Dược Hậu Giang.
Trước đó, tháng 10/2018 đại gia này đã mua thành công 44,8 triệu cổ phiếu để nắm sở hữu 34,3% vốn điều lệ Dược Hậu Giang. Taisho bắt đầu rót vốn vào Dược Hậu Giang từ tháng 5/2016 với tỷ lệ 24,5% vốn sở hữu. Vài năm gần đây đại gia dược của Nhật Bản liên tục gom mua cổ phần để nâng tỉ lệ sở hữu tại doanh nghiệp dược phẩm lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ngay khi trần sở hữu nước ngoài của Dược Hậu Giang được phê duyệt nới lên 100% vào ngày 4/7/2018, Taisho liên tiếp ra thông báo mua cổ phiếu DHG. Nếu không có gì thay đổi, thương vụ chào mua thêm 21,7% cổ phần hoàn tất trong tháng 4/2019 sẽ biến Taisho thành cổ đông lớn nhất của Dược Hậu Giang.
Nếu thương vụ này thành công, Dược Hậu Giang sẽ là cái tên tiếp theo trong số những "đại gia" ngành dược phẩm của Việt Nam bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm.
Gần nhất, câu chuyện tương tự đã diễn ra tại Domesco khi công ty con thuộc Tập đoàn Abbott đã nâng sở hữu lên 51% với tư cách là cổ đông chiến lược. Ngoài ra, Tập đoàn Abbott còn mạnh tay mua lại công ty dược phẩm Glomed – một công ty sản xuất dược phẩm tại Việt Nam vào năm 2016.
Hay Pymepharco (PME) gần đây cũng được chấp thuận nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% và cho phép Stada Service Holding B.V tăng tỉ lệ sở hữu lên tối đa 72%, hiện đơn vị này đang nắm giữ PME với tỉ lệ 49%.
Trong thời gian tới, Imexpharm (IMP) và Traphaco (TRA) được cho là hai cái tên tiềm năng tiếp theo trong thương vụ M&A. Tính đến hiện tại, tổng sở hữu nước ngoài tại IMO và TRA lần lượt là 47,8% và 47,1%.
Tại Traphaco, hãng dược Daewon đang sở hữu 15% và Công ty quản lý quỹ Mirae Asset đang nắm 25% cổ phần. Cả hai nhà đầu tư Hàn Quốc cùng mua lại số cổ phần này từ Mekong Capital và một số nhà đầu tư khách cách đây 1 năm.
Động lực cho doanh nghiệp nội
Trên thực tế, làn sóng M&A ngành dược vẫn luôn âm thầm diễn ra, đặc biệt Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực đã tạo động lực làm con sóng trở nên mãnh liệt vào giai đoạn 2016- 2017, khi nghị định quy định về các doanh nghiệp đại chúng có thể nới room ngoại lên 100% thay vì con số 49% như trước đó.
Vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài cũng bị hạn chế trong phân phối thuốc. Theo cam kết WTO, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam được phép nhập khẩu nhưng không được phép trực tiếp phân phối thuốc tại Việt Nam. Do đó, họ thường thông qua công ty Việt Nam có chức năng phân phối để bán sản phẩm vào thị trường. Ngày càng có nhiều công ty dược nước ngoài hợp tác và mua lại các nhà sản xuất Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất rẻ hoặc hệ thống phân phối.
Nhận định về sự sôi động của hoạt động M&A ngành dược, ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay các doanh nghiệp dược kỳ vọng việc bắt tay với nghiệp nước ngoài sẽ mang thêm vốn, công nghệ và nguồn lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước, hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn (như EU-GMP, PIC/S…); việc kết nối với các nhà bán lẻ lớn sẽ giúp hoàn thiện chuỗi phân phối, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm ưu thế nhờ tiềm lực tài chính mạnh mẽ, năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), bề dày kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, phía sau của các thương vụ M&A thành công cũng tiềm ẩn những rủi ro về mặt pháp lý dẫn đến tranh chấp, kiện tụng và đổ bể. Vì vậy, trước khi thực hiện bất cứ một thương vụ nào, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ đối tác, lịch sử hoạt động, cũng như hiểu biết rõ các điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt là sau khi đã ký kết. Đặc biệt, để cạnh tranh thành công và có thể không phải “bán mình”, các doanh nghiệp trong nước buộc phải chi các khoản đầu tư lớn vào công nghệ, dây chuyền sản xuất, quản lý hàng tồn kho, gia tăng năng lực marketing, hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, phải tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Nguồn: thuongtruong.com.vn