Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ trên toàn cầu, nhiều quốc gia đã thức tỉnh về sự phụ thuộc nguồn cung dược phẩm và vật tư y tế vào Trung Quốc.
Sự thống trị của Trung Quốc
Sau khi nhiều nhà máy hóa chất tại Trung Quốc đã được lệnh đóng cửa do dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại quốc gia này, chuỗi cung ứng dược phẩm đã nhanh chóng chịu những tác động tiêu cực và đẩy nhiều doanh nghiệp dược tại các nước rơi vào nguy cơ thiếu thuốc.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cảnh báo rằng đã xảy ra tình trạng một số loại thuốc đã bị thiếu ở Hoa Kỳ vì các vấn đề sản xuất và cho biết họ đang theo dõi khoảng 20 loại khác dựa vào Trung Quốc.
Trong khi đó, các hãng dược khổng lồ như AstraZeneca, Merck, và Pfizer đều cho biết, sự đình trệ trong hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh trong quý I/2020.
Có thể thấy, nhờ sự dịch chuyển ồ ạt vì chi phí nhân công và các quy định nghiêm ngặt về môi trường, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp dược phẩm tại châu Âu đã đi tìm các địa điểm sản xuất mới.
Chính vì vậy, cùng với Ấn Độ, Trung Quốc đã nắm lấy thời cơ và nhanh chóng trở thành xưởng bào chế hơn 80% hoạt chất chính được dùng trong ngành sản xuất dược phẩm và nắm giữ 80-90% dược liệu để bào chế ra các hoạt chất chính và các loại thuốc thay thế các dược phẩm hiện không còn được bào chế nữa.
Đặc biệt, 97% dược liệu và hóa chất cần thiết để sản xuất kháng sinh đồng dạng (generique) tiêu thụ tại Mỹ.Theo Janet Woodcock, giám đốc Trung tâm đánh giá và nghiên cứu dược phẩm của Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ nhận định, số lượng các cơ sở ở Trung Quốc cung cấp các hoạt chất dược phẩm (API) đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2010.
Tương tự, thống kê tại châu Âu ước tính rằng có tới 80% hóa chất được sử dụng để sản xuất thuốc được bán ở khu vực này hiện có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ. Chính vì vậy, nếu Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu dược phẩm trong vòng vài tháng, các doanh nghiệp sản xuất thuốc và hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Mỹ và châu Âu sẽ phải ngừng hoạt động.
Hiện tại, Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đều lên kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất dược cũng như vật tư y tế quan trọng ra khỏi Trung Quốc. Dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới khi có nhiều thị trường tiềm năng khác đang được các doanh nghiệp chú ý đến.
Tầm quan trọng chiến lược
Mặc dù vậy, chuyên gia Rosemary Gibson, cố vấn cao cấp của Trung tâm Hastings đánh giá, trên thực tế, rất khó để các nước châu Âu tái khởi động lại chuỗi sản xuất dược nội địa.
Đồng thời, để các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phức tạp như dược sẽ đòi hỏi nhiều yếu tố không chỉ năng lực dự phòng mà còn cả kỹ thuật, nhân lực, tài nguyên…Mặt khác, các công ty dược phẩm sẽ khó có thể từ bỏ một thị trường chăm sóc sức khỏe lớn và đang phát triển nhanh chóng như Trung Quốc.
Do đó, thay vì tháo chạy khỏi quốc gia này, về lâu dài, các quốc gia cần xếp dược phẩm ở mức độ chiến lược trong việc đảm bảo an ninh quốc gia tương đương như dầu mỏ hoặc năng lượng để có kế hoạch đa dạng nguồn cung thô và đảm bảo khả năng sản xuất các loại thuốc thiết yếu với chất lượng và số lượng tốt, so với việc chỉ dự trữ để giảm bớt sự phụ thuộc vào ngành dược phẩm của Trung Quốc trong tương lai.
Từ lâu các chuyên gia đã nhấn mạnh về tham vọng dẫn đầu của Trung Quốc về dược phẩm toàn cầu khi Bắc Kinh thường xuyên được cho là đã sử dụng các thực tiễn không công bằng để có chỗ đứng trong ngành sản xuất thuốc.
Điều này đã dẫn đến việc thay vì chỉ tham gia vào khâu sản xuất, hiện nay các doanh nghiệp dược Trung Quốc đã có thể phát triển việc nghiên cứu sản xuất các loại thuốc của riêng họ. Chính vì vậy, với sự tự chủ về nguồn nguyên liệu thô, có khả năng Trung Quốc sẽ đạt được thế cân bằng với Mỹ và châu Âu.
Đặc biệt, điều quan trọng hơn cả là đảm bảo rằng các quốc gia có khả năng sản xuất các loại thuốc thiết yếu với chất lượng và số lượng tốt, so với việc chỉ dự trữ các loại thuốc này.
Dịch COVID-19 đã làm nhiều quốc gia đánh giá toàn diện hơn về vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là với những ngành quan trọng. Mặc dù đại dịch khó có thể làm thay đổi đột ngột chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu , nhưng đây sẽ là dấu mốc để các quốc gia thúc đẩy nỗ lực thiết lập nguồn cung cấp hóa chất và API nội địa để đối phó tốt hơn với các đại dịch lớn như COVID-19.