Không còn kiểu mạnh ai nấy làm, 5 hợp tác xã (HTX) chuyên về dược liệu ở huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã cùng bắt tay nhau phát triển cây dược liệu và tìm đầu ra một cách bền vững. Những sản phẩm dược liệu của “liên minh” HTX đã vươn xa tới các thành phố lớn, thậm chí xuất sang cả Nhật Bản.
Thay đổi cách làm truyền thống
Theo anh Lý Tà Dèn - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Cộng đồng Nặm Đăm, cây dược liệu đã được trồng tại xã cũng như trên địa bàn huyện từ lâu, nhưng do phương thức canh tác truyền thống, manh mún nên hiệu quả không cao.
Năm 2009, HTX Nặm Đăm có 49/52 hộ tham gia nhưng 4 tháng không ra tiền nên họ xin rút gần hết, chỉ còn 7 người, vốn từ 2 tỷ cũng chỉ còn chừng 200 triệu đồng. “Mình cũng là người Dao, nhưng bắt tay vào làm việc mới thấy công tác dân vận là khó khăn nhất. Làm cái gì cũng vậy, tư duy của bà con là phải thấy mình được lợi gì, hiệu quả ngay tức khắc. Nhưng làm theo kiểu HTX, phải đầu tư dần dần, chuyển đổi kỹ thuật, cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Muốn có nguồn thu, ít nhất cũng phải 1 năm. Nhưng bà con mình đã quen như thế rồi nên phải vừa làm cho bà con thấy, vừa thuyết phục” - anh Dèn chia sẻ.
Sau khi các hộ dân rút dần, anh Dèn bắt đầu tái cơ cấu lại HTX. Nhờ sự hỗ trợ của huyện, HTX kết nối với các công ty dược như Công ty TNHH DK Pharma, Công ty DK Natura, Công ty Dược khoa - Đại học Dược Hà Nội…
Mô hình hoạt động dưới hình thức, các hộ dân góp đất, tập trung trồng, chế biến dược liệu theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo dược liệu cho năng suất và chất lượng cao nhất. HTX sẽ đứng ra bao tiêu, thu mua sản phẩm cho người nông dân. Các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư về giống, kỹ thuật trồng cho bà con trong HTX.
HTX đã tạo ra 6 dòng sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận là trà gừng, thuốc tắm, mật ong, cồn xoa bóp, cao atiso, cao xương khớp trên diện tích 5ha dược liệu.
“Chúng tôi đang nỗ lực chuẩn hóa nền canh tác và thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn cao, tích cực thu mua và bao tiêu các sản phẩm dược liệu tươi từ các thành viên HTX và các hộ nông dân ở thôn Nặm Đăm, Chúc Sơn của xã Quản Bạ. HTX cũng đã hoàn thiện kế hoạch, lựa chọn được vùng trồng dược liệu và xây dựng được hệ thống nhà văn phòng, xưởng chế biến thuốc tắm và mở rộng hoạt động thu hút thêm nhiều hộ nghèo tham gia vào HTX” - anh Dèn cho hay.
Không chỉ có HTX Cộng đồng Nậm Đăm, các HTX đóng trên địa bàn các xã khác của huyện Quản Bạ cũng đã liên kết với nhau, cùng gắn bó với các doanh nghiệp để trồng dược liệu theo nhu cầu.
Tìm thị trường cho sản phẩm bản địa
Nhận thấy tiềm năng của sản phẩm dược liệu, 5 HTX hình thành Công ty CP Thảo dược Cao Nguyên Đá gồm: HTX Cộng đồng Nặm Đăm, HTX Dược liệu Nà Chang, HTX Dược liệu Tùng Vài Phìn, HTX Dược liệu Thanh Long, HTX Dược liệu Bình Dương đã liên minh nhằm phát triển cả dược liệu và du lịch.
Ngày 22.9.2017, công ty thành lập cửa hàng đầu tiên tại khu vực Cổng trời Quản Bạ để kinh doanh những sản phẩm được chế biến từ dược liệu địa phương hướng đến đối tượng là du khách.
“5 HTX là 5 dân tộc, là tập hợp nguồn dược liệu đa dạng như tam thất, ấu tẩu, hương thảo, giảo cổ lam, xuyên khung, đỗ trọng… có thể bổ trợ cho nhau thực hiện nhiều bài thuốc đông y đủ vị. Các loại dược liệu cũng được chế biến thành các dạng đơn giản như cao atiso, trà gừng. Lúc trước, người dân muốn mua atiso chỉ có cách chặt cả bó mà mang về, vừa lích kích, vừa tốn tiền vận chuyển. Giờ tất cả đã biến thành một lọ cao atiso vừa nhỏ, vừa tiện lợi, mà dược tính còn tốt hơn nhiều. Nhưng làm thế nào để nhiều người biết đến sản phẩm này lại là vấn đề khác” - Lý Tà Giàng, chàng trai người Dao tham gia HTX Cộng đồng Nặm Đăm từ những ngày đầu, được bầu vào chức Giám đốc Công ty CP Thảo dược Cao Nguyên Đá, cho hay.
Để đưa sản phẩm của mình đi xa, Lý Tà Giàng đã chọn hướng đi kết hợp với du lịch, xây dựng trang web, Facebook để bán hàng online. Ngoài cửa hàng chính thức ở Cổng trời, Giàng còn ký gửi sản phẩm ở các điểm du lịch cộng đồng. Hiện Giàng đã mở 10 điểm bán hàng như vậy và một cơ sở phân phối tại Hà Nội.
Nguồn: danviet.vn