Những dự báo gần đây về tác động của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chỉ rõ lợi ích của Hiệp định đối với sự tăng trưởng của Việt Nam.
Trong đó, dược phẩm là một trong những lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp (DN) châu Âu quan tâm. Cơ hội phát triển mới cho ngành công nghiệp này đang dần hiện rõ.
Nhiều cơ hội mới
Theo ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, ngành dược phẩm Việt Nam đang nằm ở thời khắc giao điểm. Luật Dược mới được ban hành năm 2016 có những bước tiến lớn trong việc tạo ra khung pháp lý thuận lợi nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực này.
Cùng chung quan điểm, ông Bradley Silcox, Chủ tịch Tiểu ban Dược phẩm của EuroCham cho rằng, sẽ có nhiều cơ hội cho ngành dược Việt Nam trong thu hút đầu tư thông qua triển khai EVFTA. Cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm của khu vực ASEAN đang mở ra khi môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Nhận định rõ hơn về cơ hội cho ngành dược, nhấn mạnh tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017, ông Tomaso Andreatt đánh giá, Luật Dược và các nghị định hướng dẫn mở ra nhiều cơ hội cho ngành dược phẩm phát triển. Trong đó, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược đã mở rộng khái niệm phân phối (bao gồm các hoạt động trong chuỗi cung ứng như nhà kho, vận tải và tiếp nhận đơn hàng) để đảm bảo chất lượng và nguồn cung ứng liên tục thuốc chất lượng cao.
Làm gì để nắm bắt cơ hội?
Theo ông Bradley Silcox, Việt Nam cần triển khai mạnh mẽ các cam kết quốc tế, gia tăng tính thực thi các điều khoản bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như một thông điệp mạnh mẽ gửi tới các nhà đầu tư nước ngoài về cơ hội đầu tư dược phẩm tại Việt Nam.
Theo EuroCham, vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục nếu muốn phát triển ngành dược, điển hình là hạn chế trong công tác phân loại dược phẩm OPP (hoạt động đăng ký, chi trả từ ngân sách nhà nước, liệt kê danh mục, định giá). Để khắc phục hạn chế này, EuroCham gợi ý 3 giải pháp. Thứ nhất là, nâng cấp cơ chế phân loại thuốc trong hoạt động đấu thầu thuốc tại các bệnh viện, trong đó có xét tới yếu tố lợi ích kết quả điều trị thực tế của người bệnh. Thứ hai là, áp dụng phương pháp đánh giá liên quan đến dược phẩm. Cuối cùng là tăng tốc độ xử lý thủ tục đăng ký dược phẩm OPP chất lượng cao, áp dụng quy trình giới thiệu sản phẩm và cấp duyệt thị thực hiệu quả nhằm đảm bảo các sản phẩm này được giới thiệu kịp thời.
Đặc biệt, nhằm tháo gỡ rào cản mà DN có thể gặp phải trong quá trình đầu tư, kinh doanh dược phẩm, EuroCham kiến nghị Chính phủ phủ tạo điều kiện để Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương có thể đối thoại thường xuyên về định hướng chính sách nhằm tham khảo các kinh nghiệm quốc tế và thích ứng với bối cảnh của Việt Nam.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco chia sẻ, để nắm bắt cơ hội từ EVFTA, các DN dược trong nước phải tự nâng cao cơ hội thắng thầu. Đồng thời, chủ động xây dựng cho mình chiến lược phát triển kinh doanh có sự khác biệt để tạo nên những lợi thế riêng, xây dựng chỗ đứng trên thị trường.