Doanh thu lợi nhuận bấp bênh
Vinapharm được thành lập năm 1971, trên cơ sở sáp nhập 3 cục trực thuộc Bộ Y tế (Cục Phân phối dược phẩm, Cục Dược liệu, Cục Sản xuất). Đến năm 2010, Vinapharm được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu theo hình thức Công ty mẹ - con. Trước năm 2010, lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính là nghiên cứu, sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, dược liệu, hóa chất, dụng cụ y tế và mỹ phẩm; kinh doanh, quản lý, cho thuê văn phòng làm việc, cửa hàng, kho bãi, nhà xưởng.
Nhiều “đất vàng”, cổ phiếu Vinapharm đắt khách?
Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, bên cạnh lĩnh vực y tế, Vinapharm còn đầu tư mở rộng ra nhiều lĩnh vực ngoài ngành như: kinh doanh bất động sản, quảng cáo, dịch vụ liên quan, giáo dục nghề nghiệp, kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, bán buôn thực phẩm; sản xuất giấy và bao bì…
Vinapharm hiện có 4 công ty con, 11 công ty liên kết và đầu tư dài hạn vào 8 công ty với giá trị đầu tư là 1.547 tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất của Vinapharm đến năm 2015 là 6.785,21 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là, doanh thu của Tổng công ty năm 2015 giảm sút đáng kể so với 2 năm trước đó. Cụ thể, năm 2015, doanh thu của Vinapharm đạt 7,626,17 tỷ đồng (tương đương 91,36% so với năm 2014 và 94,01% so với năm 2013). Lợi nhuận sau thuế các năm 2013, 2014, 2015 cũng không ổn định với kết quả lần lượt là 295,95 tỷ đồng; 384,61 tỷ đồng và 350,02 tỷ đồng.
Lý giải sự trồi sụt nêu trên, Vinapharm cho rằng, giá vốn hàng hóa năm 2015 tăng 51,66% trong khi doanh thu chỉ tăng 46,14%, khiến lợi nhuận gộp của năm này giảm 18,6% so với năm 2014.
Một trong những điểm yếu của Vinapharm mà doanh nghiệp (DN) này tự nhận là mặc dù có nhiều công ty thành viên, có nhiều nhà máy sản xuất GMP và có một số nhà máy đầu tư sâu về công nghệ, tiêu chuẩn sản xuất, mức đầu tư cao…, nhưng sự liên kết giữa các DN sản xuất và DN phân phối chưa chặt chẽ. Công ty cũng chưa có hệ thống phân phối thuốc đủ mạnh để lôi kéo các DN trong ngành tham gia vào hệ thống phân phối.
Cổ phiếu “đắt hàng” vì có lợi thế về đất
Giá vốn hàng hóa năm 2015 tăng 51,66%, trong khi doanh thu chỉ tăng 46,14% đã khiến cho lợi nhuận gộp năm 2015 của Vinapharm giảm 18,6% so với năm 2014
Vinapharm được đánh giá là một trong những công ty có tiềm lực tài chính mạnh. Vì lẽ đó, giới đầu tư dự báo cổ phiếu của Vinapharm sẽ đắt hàng.
Một trong những lợi thế đẩy giá cổ phiếu Vinapharm lên cao là do công ty này hiện nắm giữ gần 1 ha đất (9.869,2 m2), mà đa số đều là “đất vàng” nằm ở các vị trí trung tâm của TP. Hà Nội và TP.HCM với nhiều dự án “màu mỡ”.
Ở Hà Nội, tại lô đất số 95 Láng Hạ (3.279,7 m2), Vinapharm đang có kế hoạch hợp tác với Liên doanh Công ty CP Đầu tư tài chính Đất Việt - Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Sông Hồng xây dựng Dự án Trung tâm Dược phẩm, văn phòng - căn hộ. Còn tại lô đất số 60B Nguyễn Huy Tưởng (2.670 m2), Vinapharm đã hợp tác với Công ty CP Đầu tư xây dựng Vinaconex – PVC xây dựng Công trình Tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng và nhà chung cư. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017. Ngoài ra, Trụ sở làm việc của Tổng công ty được xây dựng trên lô đất gần 2.000 m2 tại số 12 Ngô Tất Tố hiện cũng đang thu hút được sự quan tâm lớn của giới đầu tư.
Tại TP.HCM, Vinapharm hiện sở hữu 2 lô đất gần 2.000 m2 tại quận 3. Đối với lô đất 1.235,7 m2 tại số 178 Điện Biên Phủ, Vinapharm dự kiến đầu tư cải tạo, xây dựng văn phòng làm việc mới. Còn lô đất tại số 126A Trần Quốc Thảo, công ty này dự kiến sẽ đầu tư, sửa chữa, cải tạo để làm văn phòng làm việc, văn phòng Trung tâm thử tương đương sinh học, đánh giá sinh khả dụng của thuốc và Trung tâm giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ công nghệ dược tại phía Nam.
Vinapharm cho biết, các lô đất trên đều do Tổng công ty thuê và trả tiền hàng năm. Riêng 2 lô đất tại TP.HCM, thời hạn thuê đất là 50 năm, từ 1996 - 2046.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 31 của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về việc chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần có nêu rõ: “Trường hợp DN cổ phần hóa chọn hình thức thuê đất thì phải thực hiện ký hợp đồng thuê đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai và không phải tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý khi xác định giá trị DN. Đối với diện tích đất thuê theo phương thức trả tiền thuê đất hàng năm thì DN thực hiện trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành và không tính tiền thuê đất vào giá trị DN”. Do đó, mặc dù Vinapharm đang sở hữu nhiều lô “đất vàng” với diện tích khá lớn nhưng khi cổ phần hóa, giá trị quyền sử dụng đất và lợi thế vị trí địa lý của các lô đất này sẽ không được tính vào giá trị DN.
Lê Xuân