Ngày 6/4/2016, với 88,06% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Dược (sửa đổi). Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.
Luật Dược (sửa đổi) gồm 14 Chương, 116 Điều quy định về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; hành nghề dược; kinh doanh dược; đăng ký, lưu hành, thu hồi thuốc và nguyên liệu làm thuốc; dược liệu và thuốc cổ truyền; đơn thuốc và sử dụng thuốc; thông tin thuốc, cảnh giác dược và quảng cáo thuốc; dược lâm sàng; quản lý thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thử thuốc trên lâm sàng và thử tương đương sinh học của thuốc; quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và quản lý giá thuốc.
Luật đã được thông qua với 435/451 đại biểu tán thành
Chứng chỉ hành nghề dược được cấp 1 lần
Về thời hạn của chứng chỉ hành nghề (CCHN) dược, dự thảo Luật quy định CCHN dược được cấp 1 lần trên cơ sở thống nhất của 62,67% đại biểu Quốc hội trả lời phiếu xin ý kiến. Với các quy định thu hồi CCHN khi không cập nhật kiến thức chuyên môn liên tục (khoản 9, Điều 28) và các biện pháp hậu kiểm khác sẽ bảo đảm tính khả thi của quy định này.
Cho phép bán thuốc tại siêu thị
Về kinh doanh thuốc và nguyên liệu làm thuốc, dự thảo Luật quy định khuyến khích các nhà thuốc bán ban đêm (Điều 7) và do chỉ khuyến khích, nên đã không quy định phụ thu trong trường hợp này. Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 84 về trách nhiệm của các cơ sở KCB tuyến huyện trở lên phải tổ chức bán thuốc ban đêm.
Liên quan đến ý kiến đề nghị cân nhắc việc cho phép bán thuốc tại siêu thị để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, UBTVQH thấy rằng, việc quy định bán thuốc tại siêu thị là phù hợp với xu thế của thế giới và để tiện lợi cho người dân. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, dự thảo Luật đã quy định đối với việc bán thuốc tại siêu thị cần phải có người phụ trách chuyên môn về dược và chỉ được phép bán các loại thuốc thông thường theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định (Điều 35).
Ngày 6/4/2016 Quốc hội chính thức thông qua Luật Dược sửa đổi
Cấm quảng cáo, kê đơn các sản phẩm không phải là thuốc
Về các hành vi bị cấm, Luật Dược (sửa đổi) đã quy định chi tiết, cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm từ khâu sản xuất, quảng cáo, vận chuyển và tiêu thụ thuốc không đúng quy định, không đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, luật quy định cấm cấp phát, bán thuốc đã hết hạn sử dụng, thuốc bảo quản không đúng quy định ghi trên nhãn thuốc, thuốc đã có yêu cầu thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ cho người sử dụng.
Liên quan đến vấn đề siết chặt quản lý mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, để xử lý tình trạng tiếp thị, quảng cáo thực phẩm chức năng quá mức gây hiểu lầm cho người dùng, Luật bổ sung quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể đối với các sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt nam