Hai vợ chồng “dược sĩ dởm” lên các trang mạng xã hội rêu rao mình có nguồn dược phẩm nhập khẩu qua đường xách tay, chất lượng cao nhưng giá chỉ bằng phân nửa thị trường. Đặc biệt, bộ đôi trên còn loan tin mình có cả thuốc đặc trị ung thư...
Vào một ngày cuối tháng 7, Mai Thị Xuyến (38 tuổi, ngụ phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM) đang giao 37 hộp thuốc viêm gan B các loại cho khách thì bị các chiến sĩ của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) - Bộ Công an ập đến bắt quả tang.
Khám xét nơi ở của đối tượng, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều loại thuốc nhập lậu, không nhãn mác, xuất xứ.
Tại cơ quan công an, Xuyến khai nhận lấy hàng từ nhiều mối ở Việt Nam, giá rẻ chỉ bằng 1/3 giá thị trường. Sau đó bán cho các cá nhân, hoặc các tiệm thuốc tây trên địa bàn TP.HCM.
Một hộp thuốc trị viêm gan B giá 14 triệu, nhưng Xuyến chỉ bán 8 triệu. Vì giá rẻ như vậy nên lượng khách hàng tìm đến Xuyến rất đông. Nhận thấy nhu cầu của bệnh nhân ngày càng cao nên Xuyến còn mở rộng mạng lưới phân phối hàng ra các tỉnh lân cận.
Hai vợ chồng Xuyến thường xuyên lên các trang mạng xã hội rao thông tin về các loại thuốc nhập khẩu. Chồng Xuyến tự xưng là “dược sĩ Phúc” còn kỳ công chỉnh sửa các đơn thuốc, phiếu xét nghiệm trước và sau khi dùng thuốc của 2 vợ chồng rồi quảng cáo là thuốc này vợ chồng ông đã uống và hết bệnh hoặc thuyên giảm đáng kể. Đặc biệt, vợ chồng Xuyến còn giới thiệu có cả “thuốc” đặc trị ung thư gan.
Theo một cán bộ của C74, tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ.... đang diễn ra phức tạp trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Thủ đoạn của các đường dây này là sản xuất , đóng gói thuốc giả, thực phẩm chức năng giả. Hoặc trực tiếp nhập thuốc giả từ Trung Quốc sau đó thay đổi nhãn mác bằng tem, nhãn có xuất xứ nước ngoài. Tiếp theo, những người trong đường dây này sẽ lên mạng xã hội rêu rao, quảng bá thông tin sản phẩm của mình. Nguy hiểm hơn, các loại thuốc này sau đó cũng tìm cách “chui” vào kệ các nhà thuốc tư nhân và cả bệnh viện.
Một lãnh đạo C74 cho biết: “Tình trạng mua bán thuốc tây giả, thực phẩm chức năng giả hiện nay đáng báo động. Vì vậy mọi người phải hết sức cảnh giác, mua thuốc chữa bệnh phải có hóa đơn của bác sĩ, tránh dễ dàng tin vào lời giới thiệu trên mạng mà mua phải thuốc giả”.
Hiện cơ quan công an phối hợp cùng các lực lượng chức năng liên quan tiến hành điều tra, làm rõ các đường dây mua bán thuốc giả nói trên.
Trước đó, vào ngày 4/7, C74 phối hợp với Chi cục Hải quan Quốc tế Tân Sơn Nhất kiểm tra và phát hiện 13 kiện hàng hóa nhập lậu của 3 chị em ruột là Vũ Thị Ngọc Diệp (49 tuổi), Vũ Thị Thương Huyền (47 tuổi), Vũ Thị Ngọc Thảo (39 tuổi) cùng ngụ quận Tân Bình, TP.HCM.
Số hàng trên gồm 300 hộp thực phẩm chức năng trị giá 800 triệu đồng, hàng được vận chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam nhưng không có hóa đơn chứng từ, không giấy phép nhập khẩu.
Cả 3 chị em ruột này đều đã có thời gian dài buôn bán thực phẩm chức năng giả, phân phối cho các cá nhân, tiệm thuốc tây ở TP.HCM và các tỉnh thành lân cận.
Hà Giang