Thời gian qua, công tác mời thầu mua dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền (YHCT) tại các bệnh viện, sở y tế còn nhiều bất hợp lý, gây khó khăn cho các đơn vị dự thầu. Việc chưa có quy định thống nhất để áp dụng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng nêu trên.
Cân chia thuốc theo thang phục vụ người bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông (Hà Nội).
Nhiều tiêu chí sai thực tế
Qua xem xét hồ sơ mời thầu (HSMT) mua dược liệu, vị thuốc YHCT năm 2016 của một số tỉnh, như: Thanh Hóa, Cao Bằng, Nghệ An, Tuyên Quang, Bắc Ninh... chúng tôi thấy các HSMT đưa ra tiêu chuẩn đánh giá kinh nghiệm, năng lực của nhà thầu, chất lượng mặt hàng dự thầu chưa sát tình hình kinh doanh dược liệu hiện nay. Các HSMT này cho điểm cao nếu dược liệu, vị thuốc YHCT được sơ chế, chế biến bởi doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới); mặt hàng dự thầu đã được cấp số đăng ký hoặc đơn vị đấu thầu có phòng kiểm nghiệm. Trên thực tế, các tiêu chuẩn nêu trên không quy định bắt buộc cho lĩnh vực kinh doanh dược liệu, vị thuốc YHCT và mới chỉ áp dụng cho các cơ sở sản xuất thuốc tân dược, thuốc từ dược liệu theo Thông tư số 16/2011/TT-BYT, Quyết định số 04/QĐHN-BYT của Bộ Y tế. Việc lấy các tiêu chí của lĩnh vực khác áp dụng cho dược liệu và vị thuốc YHCT đã tạo lợi thế cho các đơn vị sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO trong quá trình đấu thầu, còn những đơn vị kinh doanh dược liệu, vị thuốc YHCT đơn thuần sẽ bị thua thiệt. Một đơn vị sản xuất thuốc từ dược liệu, vị thuốc YHCT cho chúng tôi biết, sở dĩ GMP-WHO mới chỉ áp dụng cho sản xuất thuốc là do yêu cầu trong lĩnh vực sản xuất thuốc rất nghiêm ngặt về quy trình, chất lượng, nhân lực, còn dược liệu, vị thuốc YHCT đơn giản hơn, chỉ cần bảo đảm về độ ẩm, nhiệt độ. Việc đưa ra các tiêu chuẩn không phù hợp thực tế như nêu trên thực chất là dựng lên hàng rào phi kỹ thuật, gây mất công bằng giữa các nhà thầu.
Trong khi Luật Đấu thầu cho phép nhà thầu liên danh, thì HSMT của một số tỉnh, như: Nghệ An, Cao Bằng... không chấp nhận tổng năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu liên danh. Theo đó, các HSMT này quy định, nếu một thành viên trong liên danh không đạt tiêu chuẩn về kho bảo quản dược liệu, vị thuốc YHCT, phòng kiểm nghiệm thì cả liên danh thầu coi như không đạt. Điều này khiến không ít đơn vị kinh doanh mất cơ hội dự thầu. Trên thực tế, không có phòng kiểm nghiệm, kho bảo quản thì bên chưa đủ điều kiện mới phải đi liên danh với bên có điều kiện, HSMT quy định như vậy khác nào cấm họ hợp tác kinh doanh?
Một số doanh nghiệp còn bất bình việc HSMT ưu tiên điểm cho các đơn vị có “lịch sử” trúng thầu tại đơn vị mời thầu, dẫn đến tình trạng một đơn vị được trúng thầu qua nhiều năm, còn những đơn vị khác rất khó cạnh tranh. Đơn cử, HSMT tỉnh Cao Bằng ghi rõ nhà thầu đã trúng thầu tại Sở Y tế tỉnh Cao Bằng năm 2014 được 10 điểm, chưa trúng thầu năm 2014 được sáu điểm. HSMT tỉnh Nghệ An cũng cho 10 điểm đối với nhà thầu đã cung ứng dược liệu, vị thuốc YHCT cho các cơ sở y tế trong tỉnh năm 2014-2015, chưa trúng thầu được tám điểm. HSMT tỉnh Thanh Hóa quy định nhà thầu đã trúng thầu tại tỉnh Thanh Hóa hai năm gần nhất được 15 điểm, chưa trúng thầu được bảy điểm... HSMT tỉnh Bắc Ninh cho điểm cao đối với nhà thầu đã trúng thầu tại Bệnh viện YHCT Bắc Ninh và có văn phòng công ty, chi nhánh công ty, hệ thống kho tại tỉnh. Pháp luật về đấu thầu quy định việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó là tiêu chí đánh giá uy tín của nhà thầu nhưng hợp đồng tương tự này không bị giới hạn nơi thực hiện. Không hiểu các tỉnh nêu trên căn cứ vào quy định nào để ưu tiên điểm cho các đơn vị đã trúng thầu năm trước tại địa phương, hay đang tạo “sân chơi” riêng cho một số ít nhà thầu?
Một số HSMT còn cho điểm những trường hợp không đủ tư cách hợp lệ dự thầu. Chẳng hạn như, cho điểm với những nhà thầu không có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc”, trong khi theo Quyết định số 12/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế thì tất cả các cơ sở tham gia phân phối thuốc phải đạt tiêu chuẩn "Thực hành tốt phân phối thuốc". Nếu doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn này sẽ không được phép hoạt động và đương nhiên không đủ tư cách hợp lệ để dự thầu.
Cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn
Sau khi chúng tôi phản ánh những bất hợp lý trong HSMT, Giám đốc Bệnh viện YHCT tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Lâm cho biết, đã cho tạm dừng việc tổ chức đấu thầu 10 ngày nhằm rà soát lại những tiêu chí chưa phù hợp, tránh không gây khó khăn cho các nhà thầu. Còn lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang và Nghệ An cho rằng, việc xây dựng HSMT như nêu trên, nhằm chọn được nhà thầu cung ứng dược liệu, vị thuốc YHCT có chất lượng tốt nhất. Các đơn vị này trích dẫn văn bản làm căn cứ xây dựng HSMT là Thông tư số 16/2011/TT-BYT của Bộ Y tế, quy định nguyên tắc sản xuất thuốc từ dược liệu, vị thuốc YHCT và lộ trình áp dụng nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc đối với cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, vị thuốc YHCT; Thông tư số 37/2013/TT-BYT của Bộ Y tế, hướng dẫn lập HSMT mua thuốc trong các cơ sở y tế; Thông tư số 44/2014/TT-BYT của Bộ Y tế, quy định việc đăng ký thuốc. Nhưng như trên đã nói, các văn bản này chỉ áp dụng trong lĩnh vực sản xuất thuốc chứ không phải trong kinh doanh, đấu thầu dược liệu, vị thuốc YHCT theo Thông tư số 16/2011/TT-BYT.
Chúng tôi cho rằng, giải thích như nêu trên chưa thấu tình, đạt lý. Thực tế sẽ có những nhà thầu cung cấp dược liệu, vị thuốc YHCT có chất lượng mà không cần có các tiêu chuẩn thiếu thực tế như các HSMT đưa ra. Các điều kiện về thực hành tốt sản xuất thuốc, phòng kiểm nghiệm... như HSMT nêu không phải là yếu tố quyết định chất lượng dược liệu, vị thuốc YHCT mà chất lượng dược liệu, vị thuốc YHCT hiện nay đang được kiểm soát bằng chứng nhận về xuất xứ, chất lượng hàng hóa do Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) quản lý. Những tiêu chí không phổ biến và chỉ có số ít nhà thầu đạt được sẽ làm mất tính cạnh tranh trong đấu thầu và có nguy cơ dẫn đến tình trạng đội giá thầu. Bộ Y tế cần vào cuộc kiểm tra sự bất hợp lý được lặp lại ở nhiều HSMT các tỉnh như nêu trên.
Quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy rằng, tình trạng HSMT không sát thực tế một phần là do chưa có các quy định cụ thể hướng dẫn xây dựng HSMT mua dược liệu, vị thuốc YHCT, khiến mỗi đơn vị căn cứ, vận dụng những văn bản khác nhau, có đơn vị còn mượn HSMT của địa phương khác tham khảo. Tìm hiểu tại Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, chúng tôi được biết, dự thảo Thông tư quy định về HSMT dược liệu, vị thuốc YHCT đã được Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền xây dựng từ cách đây nhiều năm, trong đó nêu rõ các tiêu chí kinh nghiệm, năng lực nhà thầu, yêu cầu kỹ thuật của mặt hàng chào thầu. Tuy nhiên, đáng tiếc là cho đến nay, dự thảo, thông tư nêu trên vẫn chưa được Bộ Y tế hoàn chỉnh và ban hành. Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 2166/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020 vừa qua, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn đấu thầu dược liệu, vị thuốc YHCT, tránh tình trạng các cơ sở y tế lúng túng trong xây dựng HSMT.
Từ thực tế bất cập nêu trên, chúng tôi đề nghị, dự thảo hiện đang lấy ý kiến đóng góp cần xây dựng các tiêu chí bảo đảm sự công bằng, cạnh tranh trong đấu thầu, lập lại trật tự trong đấu thầu dược liệu, vị thuốc YHCT.
THANH QUÝ