Sau khi có Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chính thức cấm các sản phẩm xà phòng đóng mác “diệt khuẩn” có chứa một số chất chỉ định, Bộ Y tế Việt Nam cho biết: Bộ Y tế quản lý các chế phẩm diệt khuẩn tay không dùng nước và chế phẩm diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực y tế. Nếu phát hiện chế phẩm không đảm bảo an toàn, Bộ Y tế sẽ xem xét rút số đăng ký lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, mới đây Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành quy định chính thức về việc các sản phẩm xà phòng diệt khuẩn dùng trong gia dụng có chứa một số hoạt chất sẽ không được tiếp tục bán trên thị trường. Theo danh mục này có 19 thành phần hoạt chất không có lợi cho sức khỏe, bao gồm các thành phần thông dụng nhất triclosan và triclocarban. Sản phẩm nằm trong phạm vi điều chỉnh của quy định này là các dạng xà phòng kháng khuẩn dùng trong gia dụng, được sử dụng để rửa tay với nước và phải xả sạch bằng nước sau khi sử dụng.
Quy định chính thức này áp dụng cho các loại xà phòng có chứa ít nhất 1 trong số 19 hoạt chất đó. Các Cty sẽ không thể tiếp tục kinh doanh trên thị trường các chất tẩy rửa kháng khuẩn với các thành phần nói trên, vì các nhà sản xuất đã không chứng minh được rằng các sản phẩm của họ hiệu quả hơn so với xà phòng thường trong việc ngăn ngừa bệnh tật, sự lây lan một số bệnh dịch mà còn gây tác hại cho cơ thể.
Bác sĩ Janet Woodcock, GĐ của Trung tâm đánh giá thuốc và nghiên cứu (CDER) FDA bày tỏ: Người tiêu dùng có thể nghĩ rằng các xà phòng diệt khuẩn có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng, nhưng chúng tôi không có bằng chứng khoa học rằng chúng tốt hơn so với việc sử dụng xà phòng thường và nước. Trong thực tế, một số dữ liệu cho thấy rằng các thành phần diệt khuẩn có thể gây ung thư, thay đổi nội tiết tố...
Trước đây (năm 2013) FDA đã ban hành một dự thảo quy định cấm sau khi một số dữ liệu cho thấy việc tiếp xúc lâu dài với các hoạt chất nhất định được sử dụng trong các xà phòng diệt khuẩn có thể gây ra nguy cơ sức khỏe, chẳng hạn như vi khuẩn kháng thuốc hoặc ảnh hưởng đến nội tiết tố. Lúc đó, các nhà sản xuất đã được yêu cầu cung cấp cho FDA dữ liệu bổ sung về sự an toàn và hiệu quả của các thành phần nhất định được sử dụng trong các xà phòng kháng khuẩn dùng trong gia dụng nếu họ muốn tiếp tục lưu hành các xà phòng kháng khuẩn có chứa những thành phần trên. Dữ liệu được yêu cầu bao gồm dữ liệu từ các nghiên cứu lâm sàng chứng minh rằng các sản phẩm này có tác dụng vượt trội hơn xà phòng không diệt khuẩn trong việc ngăn ngừa bệnh tật cho con người hoặc làm giảm tỉ lệ nhiễm trùng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất xà phòng diệt khuẩn dùng cho tay và cơ thể đã không cung cấp các dữ liệu cần thiết để chứng minh độ an toàn và hiệu quả của 19 thành phần hoạt động được đề cập trong quyết định chính thức này.
Đối với các chế phẩm diệt khuẩn dùng trong y tế, ngày 30-4-2015, FDA đã ban hành dự thảo quy định, trong đó yêu cầu các nhà sản xuất chế phẩm diệt khuẩn dùng trong y tế nộp cho FDA các dữ liệu chứng minh tính an toàn và hiệu lực của sản phẩm do mình sản xuất. Dựa trên các dữ liệu này, FDA sẽ quyết định việc có ban hành việc cấm sử dụng hoạt chất nào. Hiện tại, các chất diệt khuẩn y tế đang lưu hành tại Mỹ vẫn tiếp tục được lưu hành bình thường. Riêng đối với các chế phẩm diệt khuẩn chứa Triclosan, ngày 15-5-2015, Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã ra thông báo từ chối ban hành lệnh cấm lưu hành các chế phẩm này vì cho rằng chưa có bằng chứng cho thấy các chế phẩm chứa Triclosan gây hại đối với người sử dụng và môi trường đến mức phải rút số đăng ký. EPA sẽ tiếp tục đánh giá các dữ liệu để đảm các chế phẩm chứa triclosan đảm bả đạt yêu cầu về an toàn và hiệu lực diệt khuẩn.
Đối với các chế phẩm diệt khuẩn tay không dùng nước, ngày 29-6-2016, FDA ban hành yêu cầu tương tự như đối với các chế phẩm diệt khuẩn y tế. Các nhà sản xuất phải nộp cho FDA dữ liệu chứng minh tính an toàn và hiệu lực của các chế phẩm sát khuẩn tay không dùng nước của họ. Căn cứ trên dữ liệu được đệ trình, FDA sẽ quyết định ban hành lệnh cấm hoạt chất nào. Hiện tại, các chế phẩm sát khuẩn tay không dùng nước đang được lưu hành bình thường.
Trước những quy định đó, Bộ Y tế Việt Nam cho biết về việc ban hành danh mục các chất không được sử dụng trong các sản phẩm gia dụng, bao gồm cả xà phòng rửa tay với nước thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương. Bộ Y tế quản lý các chế phẩm sát khuẩn tay không dùng nước và chế phẩm diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực y tế.
Các chế phẩm này trước khi lưu hành tại Việt Nam phải thực hiện việc đăng ký lưu hành để thẩm định tính an toàn và hiệu lực của chế phẩm. Trong quá trình lưu hành, nếu phát hiện chế phẩm không còn đảm bảo an toàn và hiệu lực hoặc có khuyến cáo từ các tổ chức quốc tế về hoạt chất không đảm bảo an toàn và hiệu lực, Bộ Y tế sẽ xem xét rút số đăng ký lưu hành và chấm dứt việc lưu hành chế phẩm trên lãnh thổ Việt Nam.
(Nguồn: Phapluatxahoi.vn)