Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tháng 2/2016, Việt Nam đã nhập khẩu 20,2 triệu USD nguyên phụ liệu dược phẩm, giảm 31,1% so với tháng đầu năm, tính chung từ đầu năm cho đến hết tháng 2/2016, nhập khẩu mặt hàng này đạt 50,3 triệu USD, tăng 15,58% so với cùng kỳ.
Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ từ 60-70 nghìn tấn dược liệu, trong đó, sản xuất trong nước chỉ đạt chưa đến 10%, còn hơn 90% nguồn dược liệu nhập từ Trung Quốc. Số liệu từ TCHQ Việt Nam cho biết, 2 tháng đầu năm nay, nguồn dược liệu nhập từ Trung Quốc chiếm tới 59,6%, đạt 30 triệu USD, tăng 21,69% so với cùng kỳ, tính riêng tháng 2/2016, nguồn dược liệu nhập từ thị trường này đạt 11,4 triệu USD.
Nguồn cung lớn thứ hai sau thị trường Trung Quốc là Ấn Độ, đạt 8,1 triệu USD, tăng 9,26%, kế đến là Áo, tăng 191,65%, đạt 6,9 triệu USD….
Nhìn chung, 2 tháng đầu năm nay, nhập khẩu dược liệu từ các thị trường đều với tốc độ tăng trưởng dương, số thị trường này chiếm 70%, trong đó nhập từ Thụy Sỹ tăng mạnh vượt trội, tăng 983,68%, ngược lại số thị trường với tốc độ tăng trưởng âm chỉ chiếm 30% và nhập từ Hàn Quốc giảm mạnh nhất, giảm 31,53%.
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2015, trong hai tháng đầu năm 2016, nguồn dược liệu được nhập thêm từ hai thị trường Pháp và Tây Ban Nha với kim ngạch đạt lần lượt 909,4 nghìn USD và 890,2 nghìn USD.
Thống kê thị trường cung cấp hàng nguyên phụ liệu dược phẩm cho Việt Nam 2 tháng 2016
Thị trường |
2 tháng 2016 |
2 tháng 2015 |
So sánh +/- (%) |
Tổng cộng |
50.399.412 |
43.605.653 |
15,58 |
Trung Quốc |
30.058.952 |
24.702.014 |
21,69 |
Ấn Độ |
8.120.708 |
7.432.747 |
9,26 |
Áo |
6.935.260 |
2.377.969 |
191,65 |
Thái Lan |
3.171.735 |
1.291.378 |
145,61 |
Đức |
1.129.137 |
920.084 |
22,72 |
Italia |
1.118.356 |
1.416.109 |
-21,03 |
Thụy Sỹ |
939.948 |
86.737 |
983,68 |
Singpaore |
781.798 |
553.844 |
41,16 |
Hàn Quốc |
771.874 |
1.127.305 |
-31,53 |
Anh |
556.571 |
606.830 |
-8,28 |
Với nguồn cung trong nước không đáp ứng được cầu mà phần lớn là phải nhập khẩu mà chủ yếu nhập từ thị trường Trung Quốc. Nhiều tồn tại trong nhập dược liệu đang được Bộ Y tế điều chỉnh, siết chặt nhằm đảm bảo chất lượng mặt hàng này.
Để siết chặt nhập khẩu dược liệu, Bộ Y tế vừa thông tư 03 để quản lý nguồn dược liệu nhập khẩu, có hiệu lực thi hành từ ngày 6/3/2016. Theo đó yêu cầu tất cả dược liệu nhập vào Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, có đối tác bên nhập từ bên Trung Quốc được phép kinh doanh dược liệu.
Trước đây, để nguồn dược liệu về Việt Nam, chỉ cần có đơn hàng và giấy tờ thông quan là các doanh nghiệp được phép nhập khẩu dược liệu. Tuy nhiên trong thời gian qua, với cách làm này, nhiều doanh nghiệp nhập các loại dược liệu không đủ yêu cầu chất lượng vì không phải chứng minh nguồn gốc.
Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam muốn được nhập khẩu dược liệu phải có các điều kiện gồm: Đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu; Đạt các nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc” đối với dược liệu theo quy định tại Thông tư này do Bộ Y tế kiểm tra. Cơ sở kinh doanh dược liệu chưa đủ điều kiện nhập khẩu trực tiếp phải ký kết hợp đồng ủy thác nhập khẩu với cơ sở có đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định và tên cơ sở ủy thác nhập khẩu phải được thể hiện trên đơn hàng nhập khẩu.
Ngoài ra, cơ sở nhập khẩu dược liệu khi đăng ký tờ khai Hải quan còn phải xuất trình bản chính và nộp cho cơ quan hải quan bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp các giấy tờ theo quy định, gồm: Giấy phép nhập khẩu dược liệu do Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế cấp theo quy định; Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của dược liệu do tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về việc nộp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu là chứng từ điện tử thì cơ quan Hải quan chấp nhận các chứng từ này.
Đặc biệt, từ ngày 01/07/2016, dược liệu nhập khẩu trong Danh mục phải có Phiếu kiểm nghiệm của từng lô dược liệu của cơ sở sản xuất nếu cơ sở đó đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP), đối với cơ sở sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn GMP thì phải có Phiếu kiểm nghiệm của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Hằng năm, Bộ Y tế công bố danh mục dược liệu phải có Phiếu kiểm nghiệm của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng sẽ thường xuyên hậu kiểm. Khi doanh nghiệp nhập khẩu, thông quan xong, báo cáo về Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, nếu thấy cần thiết cơ quan này sẽ lấy mẫu kiểm tra.
Theo Báo Dân Việt