Lực lượng Quản lý thị trường TPHCM đã đồng loạt ra quân kiểm tra các mặt hàng gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, thuốc y học cổ truyền tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 130.000 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trị giá trên 500 triệu đồng.
Tính đến chiều tối ngày 7-7, lực lượng liên ngành quản lý thị trường TPHCM mới kiểm đếm xong số lượng dược phẩm, mỹ phẩm các loại bày bán trôi nổi trên thị trường được phát hiện, tạm giữ cùng ngày.
Trước đó, trưa cùng ngày tổ công tác 334 của Bộ Công Thương đã phối hợp với Chi cục QLTT TP đồng loạt ra quân kiểm tra hàng loạt điểm kinh doanh trên địa bàn quận 1, 3, 5, 7, 8, 10, Tân Phú, Thủ Đức…
Các mặt hàng kiểm tra gồm: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, thuốc y học cổ truyền. Tại đây, lực lượng liên ngành phát hiện gần 130.000 đơn vị sản phẩm (chai, lọ, hộp, tuýp…) không rõ nguồn gốc, xuất xứ trị giá trên 500 triệu đồng.
Tại cửa hàng thuộc Công ty CP Beta Beauty (508 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Quy, quận 7), Đội QLTT 7B phát hiện lô phấn thơm, nước hoa trôi nổi trị giá lên tới 90 triệu đồng.
Tương tự, tại Cửa hàng sức khỏe và sắc đẹp Guardian – Công ty TNHH MTV thương mại và đầu tư Liên Á Châu (23-25 Hoàng Hoa Thám, phường 13, quận Tân Bình), cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm các loại không hóa đơn, chứng từ.
Song song đó, ở khu vực chợ Bến Thành (quận 1), QLTT TP cũng tạm giữ hơn 1.500 đơn vị sản phẩm (lọ, tuýp, hộp) mỹ phẩm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đáng chú ý, tại Trung tâm Thương mại Dược phẩm và Trang thiết bị y tế quận 10 (134/1 Tô Hiến Thành, quận 10), lực lượng chức năng đã phát hiện gần 70.000 viên, hộp, lọ tân dược; 14 thùng thực phẩm chức năng và tân dược không hóa đơn chứng từ. Toàn bộ số hàng nêu trên đang bị tạm giữ, chờ xử lý theo quy định pháp luật.
Trao đổi nhanh với báo chí vào chiều cùng ngày, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM thông tin, lực lượng chuyên trách đã và đang tăng cường ra quân, kiểm tra các mặt hàng trọng điểm, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy vậy, do địa bàn TPHCM khá rộng, việc kinh doanh diễn bức phức tạp, nhất là kiểm tra chuyên sâu đối với các mặt hàng vi phạm như trên. Do vậy, rất cần sự phối hợp liên tục, chặt chẽ với những sở ngành chuyên trách như Sở y tế chẳng hạn để việc giám sát được thực hiện hiệu quả hơn.
Theo ông Trần Hùng, Cục phó Cục QLTT - Bộ Công thương, tất cả những hành vi kinh doanh gian dối của các cá nhân, tổ chức cần được công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân đề cao cảnh giác, hạn chế mua trúng hàng kém chất lượng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Nguồn: sggp.org.vn