Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Trần Hùng cho biết, an toàn thực phẩm là một trong những mặt hàng trọng điểm mà Tổ công tác 344 sẽ đặc biệt tăng cường công tác đấu tranh để kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, vì đây là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người.
Đó là nhận định của ông Trần Hùng trong buổi làm việc của Tổ công tác 344 (Tổ công tác chuyên trách của Ban chỉ đạo 389 Bộ Công thương) với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để bàn phương án phối hợp trong công tác quản lý, đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng, diễn ra chiều 8-3.
Nhiều vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực thực phẩm chức năng
Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Tổ trưởng Tổ công tác 344 cho biết, những năm qua, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng đang tạo nên sự hoang mang cho dư luận. Theo ông Hùng, các sản phẩm đơn thuần, khi giám định chất lượng sản phẩm dưới 70% tiêu chuẩn cho phép được nhận định là hàng giả. Nhưng với mặt hàng thuốc, chỉ 1% đã được coi là giả vì liên quan đến tính mạng con người. Do đó, những vi phạm trong lĩnh vực này cần phải được kiểm tra sát sao và có những xử lý kịp thời.
Theo tổng kết của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, năm qua, Hà Nội đã xử lý hơn 1.580 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong đó lực lượng quản lý thị trường xử lý 1.550 vụ, công an xử lý hai vụ, y tế xử lý hai vụ và hải quan hai vụ…
Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng đội Quản lý thị trường 14 TP Hà Nội cho biết, hiện nay có hàng chục đầu ngành kiểm tra vi phạm an toàn thực phẩm, nhưng khi tổng kết lại, chỉ có "bóng dáng" của quản lý thị trường và công an, hải quan.
Trong năm 2017, Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cũng kiểm tra, xử lý hơn 10 đơn vị kinh doanh thực phẩm chức năng kém chất lượng, trong đó có 3-4 đơn vị làm giả chất lượng lên tới hàng tỷ đồng tiền sản xuất. Trong khi đó, con số xử lý của Cục An toàn thực phẩm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm năm qua là xử phạt 48 cơ sở vi phạm hành chính với số tiền khoảng hai tỷ đồng. Cục đã thu hồi 105 giấy xác nhận công bố hợp quy, tiêu hủy 33 lô sản phẩm vi phạm, tạm dừng 49 lô sản phẩm. Cục đã chuyển sáu vụ có dấu hiệu sản xuất thực phẩm chức năng/kinh doanh thực phẩm chức năng giả sang cơ quan cảnh sát điều tra của thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để xem xét dấu hiệu hình sự.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm tập trung chủ yếu thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng. Nội dung thanh tra chuyên ngành bao hàm các nội dung như: tuân thủ quy định pháp luật về vệ sinh trong sản xuất, tuân thủ trong ghi nhãn, chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như quảng cáo và lưu thông trên thị trường. Cục cũng đã phối hợp với cơ quan bên Bộ Thông tin - Truyền thông để xử lý các trang web có hành vi quảng cáo không đúng với sự thật. Các trường hợp sau khi xác định hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính đều thực hiện công bố thông tin theo Luật định trên trang web Cục.
Tuy nhiên, ông Viện nhận định, việc xử lý và truy tố những vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng không dễ vì để đánh giá làm giả chất lượng hay không còn phụ thuộc vào giám định. “Hiện nay bà con sản xuất thực phẩm chức năng như “trứng để trên đá”. Có rất nhiều tiêu chí qua thời gian biến đổi. Người sản xuất có tâm làm tốt nhưng người kinh doanh hoặc trong quá trình bảo quản, người kinh doanh không bảo đảm chất lượng dẫn đến vi phạm. Do đó, để truy tố hình sự rất khó” – ông Viện nói.
Cần tăng cường phối hợp từ Trung ương tới địa phương
Để tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý, phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng, ông Kiều Nghiệp, Phó Tổ trưởng Tổ công tác 344 cho biết, kiểm tra xử lý là một biện pháp hỗ trợ cho công tác quản lý. Do đó, tổ công tác rất mong Cục An toàn thực phẩm sẽ có cơ chế phối hợp nhanh gọn, hiệu quả. “Cần thiết có thể ký văn bản quy chế phối hợp giữa hai đơn vị. Cục An toàn thực phẩm cần có văn bản chỉ đạo các chi cục địa phương để phối hợp quyết liệt hơn trong công tác phòng chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ với lực lượng quản lý thị trường địa phương" - ông Nghiệp nói.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhận định, một mình ngành y tế rất khó triển khai trong việc quản lý vì các doanh nghiệp không sợ thanh tra chuyên ngành. Đặc biệt, hiện nay, Cục đang triển khai Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP, sẽ thay đổi cơ chế quản lý về an toàn thực phẩm. Vì thế, Cục rất cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như hải quan, quản lý thị trường, cảnh sát môi trường, cảnh sát kinh tế… trong công tác hậu kiểm.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định “Cục An toàn thực phẩm sẽ bố trí nhân lực, bố trí kế hoạch phối hợp kịp thời và nhịp nhàng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, quản lý thực phẩm chức năng. Chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị trong đợt cao điểm phải đáp ứng, trực chiến trong thời gian tổ công tác hoạt động để triển khai phân tích, giám định và trả kết quả nhanh nhất, có những xử lý kịp thời”.
Để có thể chủ động được việc này, ông Tuấn cũng mong muốn tổ công tác sẽ báo cáo Cục Quản lý thị trường kế hoạch triển khai cụ thể trong năm 2018 trên 20 địa bàn trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trên cơ sở đó, Cục An toàn thực phẩm sẽ có công văn chỉ đạo cụ thể cho từng địa phương để triển khai hiệu quả.
Kết luận buổi họp, Tổ trưởng Tổ công tác 344 – ông Trần Hùng cho biết, tổ công tác sẽ phối hợp liên ngành với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và đội chống hàng giả các chi cục, tiến hành kiểm tra tại các địa bàn “nóng” như chợ thuốc, những nơi bán hàng xách tay… tại hai thị trường trọng điểm là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Nguồn: nhandan.com.vn