Bộ Y tế đang hướng tới quản lý TPCN bằng cách áp tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP). Tuy nhiên, DN và người tiêu dùng (NTD) vẫn còn nhiều băn khoăn, thắc mắc. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong xung quanh vấn đề này.
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh
Ông có thể cho biết tình hình chung về sản xuất TPCN trong nước?
- Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng hơn 20.000 sản phẩm TPCN được công bố, 60 - 65% là sản phẩm được sản xuất trong nước. Rất nhiều DN có uy tín sản xuất TPCN, sản phẩm được NTD đón nhận. Mặc dù chưa có quy định áp dụng tiêu chuẩn GMP, nhưng nếu bắt buộc, nhiều cơ sở sẽ đạt GMP. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cơ sở lợi dụng kẽ hở của pháp luật, làm ăn phi pháp. Qua kiểm tra thời gian qua, chúng tôi phát hiện rất nhiều vi phạm, tất cả đều được công khai trên các phương tiện truyền thông để NTD nắm được và lựa chọn sản phẩm.
Việc áp dụng tiêu chí GMP trong sản xuất TPCN liệu có gây khó cho các DN, thưa ông?
- TPCN là một lĩnh vực rất nóng, quan điểm của Bộ Y tế là tạo điều kiện để DN phát triển đúng pháp luật, phát huy thế mạnh y học cổ truyền của Việt Nam, cũng như khuyến khích các DN đẩy mạnh phát triển, hướng tới xuất khẩu. Chúng ta đã hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ASEAN và nhiều hiệp định song phương, đa phương khác. Thế nên, nếu DN TPCN Việt Nam không sớm áp dụng GMP thì chắc chắn sẽ thua ngay trên sân nhà. Vì vậy, khó cũng phải làm, muộn còn hơn không. Về lâu dài, GMP sẽ giúp cho NTD lựa chọn được sản phẩm chất lượng, an toàn, còn DN có cơ hội phát triển và hội nhập.
Như ông vừa nói, qua các đợt thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều đơn vị vi phạm. Vậy, việc áp dụng tiêu chí GMP, hàng trăm, hàng nghìn cơ sở sẽ phải đóng cửa?
- Chúng tôi rất đau lòng khi phải thông tin rằng, phần lớn các sản phẩm TPCN vi phạm đều được sản xuất trong nước. Tới đây, việc áp dụng tiêu chí GMP chắc chắn sẽ khai tử các đơn vị yếu kém, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các đơn vị đạt tiêu chuẩn. Không thể để thị trường TPCN “vàng thau lẫn lộn”. Ước lượng con số DN bị khai tử không hề ít, phải đến quá nửa các cơ sở sản xuất trong nước. Hiện nay, thế giới cũng như Việt Nam chưa có quy định bắt buộc sản xuất TPCN phải theo tiêu chuẩn GMP, thế nên những DN đầu tư rất hiện đại, quy trình sản xuất rất chặt chẽ cũng giống như cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thô sơ, trong khi với các cơ sở nhỏ lẻ này thì rất khó để bảo đảm chất lượng, duy trì kiểm tra, kiểm định chất lượng định kỳ. Như vậy là không công bằng và chất lượng sản phẩm đến tay NTD cũng khó đảm bảo.
Vì quyền lợi người tiêu dùng
Áp dụng GMP, DN và NTD được lợi gì, thưa ông?
- Việt Nam là đất nước có nguồn dược liệu thiên nhiên cực kỳ phong phú cùng nền y học cổ truyền phát triển qua hàng nghìn năm. DN Việt Nam cần GMP không chỉ để giữ vững thị trường trong nước mà còn để DN có thể vươn tầm ra thế giới. Không có lý do gì mà sản phẩm TPCN của Việt Nam không thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới nếu chúng ta biết tận dụng được các lợi thế kể trên. Ngoài ra, GMP cũng sẽ tạo sân chơi bình đẳng và minh bạch cho các DN TPCN. GMP sẽ giúp đảm bảo tốt hơn chất lượng của các sản phẩm TPCN đang có trên thị trường, đưa sản phẩm có chất lượng đến tay NTD.
Nhiều DN cho rằng, trong khi nhiều nước ASEAN chưa áp dụng tiêu chí GMP mà Việt Nam bắt DN thực hiện luôn kể từ tháng 6/2016 sẽ khiến nhiều cơ sở không kịp “trở tay”?
- Nhiều nước tiên tiến đã áp dụng tiêu chí GMP từ rất lâu. Như Trung Quốc đã có quy định rõ ràng về việc áp dụng GMP, thậm chí họ có phân loại cả “cấp độ” GMP TPCN. Ví dụ như chất lượng cao nhất là do Vụ 3 của Sino FDA cấp chứng nhận và các sản phẩm sản xuất trên dây chuyền do Vụ 3 cấp sẽ được in hình logo lên nhãn mác sản phẩm. Đây là tấm giấy thông hành tốt nhất cho sản phẩm TPCN khi lưu hành tại Trung Quốc. Trong khi đó, ASEAN đặt thời hạn bắt buộc áp dụng GMP tận năm 2021. Thậm chí, trong cuộc họp mới đây, Indonesia lại có ý kiến đề nghị nước này chưa tham gia áp dụng GMP TPCN.
Nhưng quan điểm của Việt Nam phải đặt quyền lợi của NTD lên trên hết. Không có lý gì mà nhiều nước có cùng điều kiện như chúng ta áp dụng được mà chúng ta lại không. Đấy là chưa kể đến yêu cầu của hội nhập khiến chúng ta không thể đứng ngoài cuộc khi mà thế giới đã áp dụng GMP TPCN từ lâu.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, tháng 6/2017 sẽ ban hành thông tư về thực hiện tiêu chí này. Tuy nhiên với tinh thần phải siết chặt quản lý nhưng không được “bóp chết” DN, chúng tôi sẽ đề xuất lộ trình áp dụng hợp lý hơn.
Xin cảm ơn ông!
Hải Lý thực hiện!