Việc thiếu quy chuẩn kỹ thuật hiện đại (GMP) đã làm cho cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để xem xét cấp phép và hậu kiểm các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng.
Quản lý lỏng lẻo
Mặc dù, có mặt tại VN khoảng 15 năm nhưng thị trường thực phẩm chức năng đã bùng nổ với hơn 10.000 sản phẩm của gần 3.000 DN nhập khẩu và sản xuất. Trong khi, thị trường TPCN phát triển nhanh chóng thì công tác quản lý lại còn nhiều khoảng trống.
PGS TS Lê Văn Truyền – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã từng chỉ ra rằng, trên thực tế, mặc dù VN đã có Luật ATTP từ năm 2010, nhưng thực phẩm chức năng là một loại thực phẩm đặc biệt chưa được Luật ATTP điều chỉnh một cách đặc thù, vì vậy trong triển khai quản lý còn nhiều vướng mắc. Mặt khác, chúng ta cũng đã có Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 và Nghị định số 127/2007 về thi hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, nhưng cho đến nay, VN vẫn chưa ban hành các quy định về “Thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng”, trong khi, nhiều nước trên thế giới và các nước ASEAN đã ban hành GMP (Good Manufacturing Practices- hướng dẫn thực hành sản xuất tốt, áp dụng đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dược phẩm nhằm kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành chất lượng sản phẩm từ khâu thiết kế, xây lắp nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ chế biến. Điều kiện phục vụ, chuẩn bị chế biến đến quá trình chế biến, bao gói, bảo quản và con người điều khiển các hoạt động trong suốt quá trình gia công, chế biến. Nó đề cập đến mọi khía cạnh của quá trình sản xuất và kiểm soát chất lượng).
Cũng theo ông Truyền, việc thiếu quy chuẩn kỹ thuật hiện đại đã làm cho cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để xem xét cấp phép và hậu kiểm các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng.
Cần có quy chuẩn kỹ thuật
Theo ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế, áp dụng GMP không chỉ đảm bảo cho sản phẩm thực phẩm chức năng được sản xuất an toàn, hiệu quả mà còn là công cụ để sàng lọc, loại bỏ các cơ sở sản xuất không đủ điều kiện, giảm thiểu hàng giả, hàng lậu. Sắp tới, Bộ Y tế ban hành quy chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với thực phẩm chức năng. Tài liệu hướng dẫn GMP cho thực phẩm chức năng gồm 10 chương quy định về hệ thống quản lý chất lượng, nhân sự và đào tạo, nhà xưởng và thiết bị, hồ sơ tài liệu, sản xuất và kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng, khiếu nại thu hồi… Và lộ trình cho phép chuyển đổi muộn nhất đến cuối năm 2018.
“Trong bối cảnh VN đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, rõ ràng ngành thực phẩm chức năng ở nước ta đứng trước các thách thức rất to lớn. Nếu VN không giải quyết được các vấn đề nêu trên thì thị trường thực phẩm chức năng rất có triển vọng ở nước ta sẽ bị chiếm lĩnh bởi các nhà sản xuất – kinh doanh thực phẩm chức năng có uy tín của nước ngoài”– PGS TS Truyền chia sẻ.