Bên cạnh các sản phẩm "made in Vietnam" có không ít trang bán hàng online và nhiều cửa hàng bày bán các loại XBTN nhập từ Nhật, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan. Liệu đây có phải là phân khúc "ăn nên làm ra" của một số doanh nghiệp (DN)?
Nhiều tiềm năng
Chia sẻ từ giới chuyên gia trong lĩnh vực mỹ phẩm, XBTN không phải là sản phẩm mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Bởi từ những năm 1930 - 1940, thương hiệu xà bông "Cô Ba" do ông Trương Văn Bền, một Hoa kiều sáng lập và phát triển (nay là Công ty CP Sản xuất - Thương mại Phương Đông) đã từng thống lĩnh thị trường, đánh bật nhiều loại xà bông nhập khẩu vào Việt Nam.
Cách đây năm bảy năm, vài DN trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm cũng đã đưa ra thị trường XBTN, trong đó có thương hiệu Thorakao của Công ty TNHH Sản xuất Mỹ phẩm Lan Hảo.
Mặc dù thời điểm đó, sản phẩm mang thương hiệu Thorakao có thành phần nghệ, hoa hồi đã được xuất khẩu sang Trung Đông, Úc, Đài Loan... nhưng tại thị trường nội địa mặt hàng này vẫn không được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Nguyên nhân của vấn đề từng được đại diện phía Lan Hảo giải thích, người nước ngoài rất thích XBTN của Việt Nam, vì nghệ có công dụng làm mịn, trắng sáng da..., nhưng ở thị trường trong nước khách hàng không mua vì cho rằng giá cao, dù thời điểm đó xà bông Thorakao được bán khoảng 10.000đ/sản phẩm.
Năm 2015, tại gameshow "Sống xanh - Ai là chuyên gia?" về chủ đề môi trường do VTV2 thực hiện nhằm ghi nhận và tôn vinh những ý tưởng kinh doanh có đóng góp thiết thực cho môi trường, đã có một dự án về XBTN vượt qua rất nhiều DN khác và được ghi nhận là sản phẩm có tiềm năng phát triển.
Trong vai trò ban giám khảo, PGS-TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, đã đánh giá đây là XBTN "made in Vietnam" rất thân thiện với môi trường, có giá hợp lý, có khả năng cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.
Theo đó, ông Chinh kỳ vọng, sản phẩm sẽ tạo được dấu ấn trong thời gian tới. Song, trước thực trạng vàng thau lẫn lộn về chất lượng sản phẩm, DN ấy liệu có đủ lực để trở lại thị trường và cạnh tranh ở phân khúc này?
Đua chất lượng
Chỉ cần "click" chuột vào công cụ tìm kiếm trên google, hay vào các trung tâm thương mại, thậm chí các chợ, người tiêu dùng sẽ dễ dàng mua được XBTN. Song điều đáng nói là giá bán mặt hàng này đang có sự chênh lệch lớn, từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm.
Cụ thể, đối với mặt hàng nhập khẩu như XBTN do Công ty Lohas Happy (Hàn Quốc) sản xuất, Công ty TNHH Khỏe Đẹp (ATZ) nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam có giá từ 450.000 - 680.000đ/sản phẩm. Các loại xà bông nhập khẩu từ Thái Lan có giá mềm hơn, từ 50.000 - 150.000đ/sản phẩm.
Trong khi đó, tại Việt Nam các thương hiệu như Myin (Công ty TNHH Thực Mỹ phẩm Myina), CocoCherry (Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm CocoCherry Việt Nam), Cocosavon (Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Cô Ba)... được làm từ cám gạo, cà phê, đậu xanh, gấc, khổ qua, dừa... có mức giá dao động từ 30.000 - 300.000đ/sản phẩm (100gr) đã làm dấy lên nghi vấn về chất lượng của XBTN Việt Nam.
Chia sẻ về giá bán XBTN, bà Nguyễn Trần Thu Trà, đại diện CocoCherry (đơn vị đang cung cấp cho thị trường hơn 20 loại XBTN dùng rửa mặt và tắm cho cả nam, nữ, an toàn da em bé và bà bầu) cho hay, trong giá một bánh XBTN, nguyên liệu chiếm 75%, phần còn lại là công thợ (tay nghề) để tạo được hoa văn độc đáo.
"Xà bông handmade hiện nay không khó làm, nhưng làm thế nào để thân thiện với môi trường và thiên nhiên mới là chuyện đáng bàn. Do vậy, mới có nhiều mức giá”, bà Trà nói.
Đại diện CocoCherry còn cho hay, chỉ cần phôi xà bông, hương liệu và màu trộn lại là đã có một loại xà bông "handmade". Phôi xà bông được phân ra hai loại: hàng nhập khẩu từ Mỹ giá rất đắt, hàng mua từ Trung Quốc vô cùng rẻ. XBTN gồm các thành phần chính như dầu nền (các loại tinh dầu), nước, phụ gia từ thiên nhiên (dầu gấc, tinh bột nghệ, yến mạch...) và xút giúp XBTN có thể bảo quản được từ 1 - 2 năm.
Điều này cho thấy, nguyên liệu ảnh hưởng rất lớn đến giá thành. Giá một sản phẩm XBTN đắt hay rẻ là phụ thuộc vào thành phần tinh dầu nhiều hay ít. Có những sản phẩm cần tới hàng chục loại tinh dầu để phối trộn thì giá bán sẽ không thể có mức vài chục nghìn đồng, bà Trà cho biết.
Theo một chuyên gia trong ngành mỹ phẩm, hiện nay, do nhiều người tiêu dùng vẫn chưa quen sử dụng XBTN nên vẫn còn nghi ngại về chất lượng. Song cũng phải thừa nhận, độ "nóng" của sản phẩm là có thật, vì ở các nước trên thế giới, đã có rất nhiều DN thành công trong lĩnh vực này với doanh thu hàng tỷ USD từ việc khai thác các sản phẩm từ thiên nhiên.
Do vậy, để chạy đường dài, DN Việt Nam cần phải chinh phục khách hàng từ khâu chất lượng sản phẩm, tránh chạy đua về giá, vì điều này rất dễ bị "ngã ngựa" khi so kè cùng hàng ngoại.